Phó trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tại cuộc họp về ứng phó với bão số 5 sáng 17/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Tất cả 12 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 5 từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa phải thực hiện nghiêm Công điện số 1258/CĐ-TTg ngày 16/9 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, theo dõi sát diễn biến bão số 5 để chủ động các biện pháp ứng phó.
12 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 5 từ Thanh Hòa đến Khánh Hòa; trong đó có 5 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trọng điểm của bão là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo dự báo, khoảng trưa ngày 18/9 (8-10 giờ) hoặc cuối giờ chiều 18/9, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Tư lệnh Biên phòng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các địa phương chịu ảnh hưởng của bão phải thường xuyên, tích cực thông báo để các tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm di dời đến nơi tránh trú, đặc biệt chú ý đến các tàu vãng lai để có biện pháp hướng dẫn, thông báo đảm bảo an toàn.
"Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần phối hợp với các cơ quan, các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão số 5và tình hình tàu thuyền, báo cáo Ban Chỉ đạo để trao đổi thông tin với các địa phương nhằm đưa ra các phương án ứng phó kịp thời. Các địa phương cầm xem xét thực hiện lệnh cấm biển chậm nhất trong ngày 17/9," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương cần đặc biệt chú ý đến các hoạt động du lịch ở các đảo và ven bờ; thông báo, tuyên truyền thường xuyên tới du khách về hướng đi, diễn biến của bão để đảm bảo an toàn du lịch đối với du khách.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đôn đốc, kiểm tra việc đảm bảo an toàn hồ (hồ thủy điện, thủy lợi), lưu ý đến các hồ thủy điện nhỏ; đồng thời có phương án ứng phó đề phòng lũ ống, lũ quét...
Còn 5 tỉnh chịu ảnh hưởng trọng điểm của bão căn cứ vào tình hình cụ thể để xem xét cho học sinh nghỉ học (tỉnh Thừa Thiên-Huế dự kiến cho học sinh nghỉ học vào sáng 18/9; các địa phương khác chưa có kế hoạch cụ thể).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần căn cứ vào nhiệm vụ được giao thực hiện tốt công tác chỉ đạo, phối hợp trong ứng phó bão số 5 theo phương châm trực tiếp và hướng về cơ sở.
Ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra một số địa phương trọng điểm ảnh hưởng bởi bão số 5.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần tăng cường ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan và các cơ quan báo chí phục vụ sự chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết bão số 5 di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14. Vùng biển ven bờ các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có khả năng gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Sơ đồ đường đi của bão số 5. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ngày 18/9, bão số 5 ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ, trọng tâm là các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Mưa lớn tập trung ở Trung Bộ từ chiều 17 đến đêm 18/9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 ở các tỉnh Trung Bộ kèm theo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến 6 giờ ngày 17/9, các đơn vị này đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 tàu với 285.384 lao động (hoạt động khu vực nguy hiểm từ Bắc Vĩ Tuyến 11 đến Vĩ Tuyến 18; Tây Kinh Tuyến 117 là 511tàu với 3.706 lao động), trong đó: Quảng Bình có 25 tàu với 185 lao động đang di chuyển về Quảng Bình, Đà Nẵng; Đà Nẵng có 3 tàu với 33 lao động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; Quảng Nam có 89 tàu với 742 lao động (65 tàu đang vào bờ; 24 tàu đi ra khỏi khu vực nguy hiểm); Quảng Ngãi có 145 tàu với 964 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; Bình Định có 246 tàu với 1.751 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; Khánh Hòa có 3 tàu với 31 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hoạt động tại khu vực khác có 9.785 tàu với 66.704 lao động; neo đậu tại các bến có 48.049 tàu với 218.934 lao động.
Ông Phạm Đức Luận, Trưởng ca trực Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện có 49 vị trí đê điều xung yếu từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ; 16 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông. Các địa phương thực hiện gia cố công trình đang thi công và sẵn sàng phương án bảo vệ.
Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế đã cấm biển từ ngày 16/9. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi dự kiến cấm biển vào ngày 17/9.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán 295.859 hộ với 1.177.486 người trong kịch bản bão cấp 10,11. Trong đó: Quảng Bình: 208.979 hộ với 835,917 người; Quảng Trị: 23,522 hộ với 94,089 người; Thừa Thiên-Huế: 28,128 hộ với 106,612 người; Đà Nẵng: 35,229 hộ với 140,868 người.
Các tỉnh đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế của bão)./.
Theo TTXVN