Tiếng Việt | English

26/10/2016 - 09:24

Y tế cơ sở đủ lượng nhưng chưa đồng bộ

Y tế cơ sở - “xương sống” hệ thống y tế của cả nước, góp phần rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên cơ sở y tế, đặc biệt là trạm y tế (TYT) xã vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, từ đó chưa thu hút được người dân đến khám và điều trị bệnh.


Đội ngũ y, bác sĩ cần được chuẩn hoá để tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh

Đầu tư chưa đồng bộ

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh khóa IX vào ngày 22-10-2016, Giám đốc Sở Y tế Long An - Thạc sĩ Lê Thanh Liêm cho biết: “Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế là 37,5%. Trong 10 tiêu chí, chỉ tiêu về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường khó đạt nhất, do phụ thuộc vào kinh phí đầu tư xây dựng và chỉ tiêu nước sạch”.

Theo phản ánh của người dân, một số TYT được xây dựng đầy đủ các phòng chức năng theo quy chuẩn nhưng chưa được đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khám, chẩn đoán bệnh, điển hình như: TYT xã Tân Thành và Tân Lập (huyện Mộc Hóa). Bên cạnh đó, còn một số TYT xuống cấp chưa được xây dựng lại như: Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ), Nhị Thành (huyện Thủ Thừa).

Hay như TYT xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa), do đặc trưng địa bàn có diện tích trải dài dọc Đường tỉnh 818, cách UBND xã đến 2km, nằm heo hút trong một con đường nhỏ. Trong khi dân cư thường tập trung sống xung quanh khu vực trung tâm hành chính của xã nên dù được xây dựng mới nhưng vẫn chưa thu hút người dân đến khám và điều trị bệnh. Nếu khách vãng lai bị tai nạn, cần sơ cấp cứu mà không gặp người dân địa phương chỉ đường thì cũng khó có thể tìm được TYT. Năm 2015, TYT chỉ đón nhận 3.155 lượt bệnh nhân. Riêng 9 tháng năm 2016, trạm có 2.043 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB).


Đội ngũ y, bác sĩ cần được chuẩn hoá để tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh

Để đạt lộ trình đến năm 2020 tỉnh có 80% TYT xã đạt Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế, hàng năm, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh đầu tư 15-16 TYT đạt bộ tiêu chí. Hiện nay, tỉnh thống nhất chọn 40 xã để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2015-2020.

Khi được hỏi về y tế cơ sở, ông Trần Minh Sang (ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Đội ngũ y, bác sĩ (BS) ở xã rất tận tình với người dân. Tuy nhiên, do chưa được trang bị máy móc hiện đại như máy siêu âm hay đo đường huyết, đo điện tim,... nên chỉ điều trị được các bệnh thường gặp như ho, sốt, cảm cúm hay sơ cấp cứu khi có tai nạn. Đối với các bệnh như rối loạn nhịp tim, viêm túi mật,... thì người dân phải đến Trung tâm Y tế huyện, bệnh nặng hơn phải lên tuyến trên chứ chúng tôi không dám điều trị ở tuyến y tế cơ sở”.

Anh Trương Văn Nhân (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho rằng: "Sở dĩ, y tế cơ sở chưa thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh là do thuốc chữa bệnh của bảo hiểm y tế (BHYT) không bảo đảm chất lượng bằng tuyến trên. Vì vậy, khi có bệnh nặng thì chúng tôi vẫn đi phòng khám tư nhân hoặc lên tuyến trên cho yên tâm".

Bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế trong biên chế của TYT, đội ngũ cán bộ y tế ấp và nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Đây là những người gần gũi, bám sát tình hình địa bàn để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho người dân. Hiện nay, mỗi TYT chỉ có từ 5-7 nhân sự. Nhân viên y tế ấp là những người nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh phát sinh tại địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà một số địa phương còn khuyết nhân viên y tế ấp. Hiện tại, do thiếu kinh phí nên công tác đào tạo, chuẩn hóa mạng lưới y tế ấp còn hạn chế. Để hoàn thiện y tế cơ sở, không thể quên nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế, góp phần tích cực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hướng đi cho y tế cơ sở

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, ngành Y tế tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Trong đó, chú trọng xây dựng TYT đạt Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng - BS Bùi Thị Thùy Linh chia sẻ: “Huyện có 11 xã, thị trấn với 100% xã có BS phục vụ, trong đó, 7 xã có tới 2 BS như: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại và Vĩnh Thạnh. Đến nay, huyện có 4 xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu B, Hưng Điền và Hưng Thạnh đạt Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế. TYT xã thu hút bệnh nhân đến khám bình quân mỗi tháng ít nhất 300 lượt bệnh nhân và nhiều nhất là 2.500 lượt bệnh nhân. Để nâng cao chất lượng KCB cũng như ngày càng thu hút bệnh nhân, ngành Y tế huyện tiếp tục ứng dụng tin học hóa để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; tạo điều kiện để đội ngũ y tế được đi học sau đại học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện tốt y đức, quy tắc ứng xử trong khám và điều trị bệnh".


Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá chưa được đầu tư đồng bộ

Theo Thạc sĩ Lê Thanh Liêm, ngành Y tế phối hợp ngành Bảo hiểm Xã hội xây dựng hệ thống chính sách BHYT để tiêu chuẩn thuốc tương đương tuyến trên; tiếp tục quan tâm đào tạo BS bảo đảm chất lượng về chuyên môn, trong đó, chú trọng đào tạo BS gia đình, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ khi khỏe mạnh. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy, góp phần thực hiện BHYT hữu hiệu hơn từ việc tư vấn, định hướng, tuyên truyền bệnh nhân BHYT đến đúng nơi để KCB, chống lãng phí cho bản thân người bệnh và xã hội.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện quy tắc ứng xử, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thời gian tới, ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện các giải pháp tăng số lượng người tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân năm 2020. Trong đó, tập trung tuyên truyền các chính sách BHYT trong cả tỉnh, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng KCB và tinh thần, thái độ phục vụ tại các cơ sở KCB, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn lực y tế để cải cách thủ tục hành chính và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng nhận định: Hiện nay, nguồn nhân lực y tế của tỉnh đạt 5,1 BS/vạn dân, trong khi chỉ tiêu của Chính phủ trung bình cả nước phải đạt 8 BS/vạn dân. Như vậy, tổng số BS trong toàn tỉnh chưa được 900 người, muốn đạt chỉ tiêu Chính phủ giao thì tỉnh phải phấn đấu có trên 1.200 BS. Tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh lại chế độ, chính sách trong thu hút nguồn nhân lực; quan tâm chăm lo cho sinh viên ngành y được đào tạo theo địa chỉ để các em an tâm học tập và trở về phục vụ tại quê hương. Đồng thời, cần có kế hoạch làm việc cùng một số trường đại học y dược trong cả nước để tiếp cận và gặp gỡ sinh viên quê Long An, kể cả sinh viên ngoại tỉnh có nguyện vọng về phục vụ ở Long An.

Trong việc tuyển dụng đội ngũ viên chức, ngành Y tế cần rà soát, cơ cấu lại đội ngũ BS, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên,... Chúng ta cần tiếp tục đổi mới mô hình, phương thức KCB bằng cách liên kết các trường, các bệnh viện lớn ở TP.HCM để mời BS TP.HCM về khám dịch vụ ở Long An. Muốn giữ nguồn nhân lực, cần quan tâm tạo môi trường làm việc hài hòa, thân thiện, gần gũi, phát huy vai trò và sự cống hiến của nhân tài và đặc biệt là không có sự phân biệt đối xử.

Y tế cơ sở là mạng lưới y tế từ tuyến huyện đến xã, là tuyến y tế gần dân nhất, có vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Phát triển đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nhân sự sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, tăng thêm niềm tin của người dân. Từ đó, hệ thống y tế cơ sở mới có thể phát huy hết vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết