Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2016, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam đạt 11,668 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng túi xách, cặp, vali đạt 2,853 tỷ USD tăng 9,5%. Tính chung toàn ngành da giày - túi xách đạt kim ngạch xuất khẩu 14,521 tỷ USD trong 11 tháng, đạt mức tăng trưởng trên 8%.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu chủ lực sản phẩm da giày, túi xách, cặp, vali của Việt Nam hiện nay vẫn là EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, riêng thị trường Mỹ đến hết tháng 10 đạt kim ngạch 4,7 tỷ USD, thị trường EU đạt gần 4 tỷ USD và Nhật Bản là 837 triệu USD.
Ngành da giày hướng đến mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD năm 2016. (Ảnh minh họa: KT)
Dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu hướng đến mục tiêu đã đề ra là 17 tỷ USD và mức tăng trưởng 10% thì những con số hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn. Nếu tính kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi tháng đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ USD, kể cả cao nhất là 1,6 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cũng chỉ đạt hơn 16 tỷ USD trong năm nay.
Nhiều lý do đã được đề cập khi phân tích về nguyên nhân dẫn đến việc khó đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra. Bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn đã kéo theo việc sụt giảm lượng nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn của ngành hàng da giày của Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), bà Phan Thị Thanh Xuân chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu da giày không đạt mục tiêu là do kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường xuất khẩu lớn đã có sự biến động khá mạnh, hầu hết các doanh nghiệp chỉ duy trì xuất khẩu sản phẩm tại các thị trường nhỏ.
Theo bà Xuân, đặc điểm dễ nhận thấy nhất là tình hình kinh tế thế giới chưa phục hồi đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế EU. Ngay tại thị trường Đức và thị trường Anh, vốn là 2 thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp da giày Việt Nam, trong năm 2016, lượng xuất khẩu đã giảm trung bình đến 30%, thậm chí có những doanh nghiệp, xuất khẩu giảm đến 60%.
“Trong khi lượng đơn hàng giảm, giá xuất khẩu không tăng, xuất khẩu da giày còn bị tác động từ chi phí đầu vào như giá nhân công, tiền lương, logistics… tăng liên tục. Mặt khác, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) dù đã có hiệu lực, hứa hẹn nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp da giày nhưng thực tế chưa có kết quả vì còn vướng nhiều rào cản”, bà Xuân cho biết.
Mặc dù không đạt kết quả xuất khẩu như mục tiêu đã đề ra trong năm 2016, nhưng xuất khẩu da giày cũng đã đạt được những thành công nhất định khi giữ được nhịp độ sản xuất tốt, lượng đơn hàng ổn định và giữ vững thị trường.
“Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư thêm nhà máy sản xuất, hoặc đưa nhà máy về những vùng có lợi thế lao động để tận dụng lao động tại chỗ. Những doanh nghiệp này có nền tảng, năng lực nội tại tốt khiến khách hàng luôn yên tâm đặt hàng”, bà Xuân cho biết.
Đáng chú ý theo bà Xuân, năm vừa qua, việc gia tăng đầu tư cho nguyên phụ liệu cũng là bước để doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại trong năm tới.
“Tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt”, bà Xuân cho biết.
Tổng thư ký Lefaso cũng nhận định, năm 2017 sẽ có nhiều biến động. Do đó, doanh nghiệp luôn luôn phải nắm bắt thông tin để đưa ra các quyết định đúng đắn, từ đó điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh kịp thời. Đồng thời, để có thể tồn tại và cạnh tranh, các doanh nghiệp da giày cần liên kết mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực nội tại, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tiết giảm chi phí./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN