Khu công nghiệp Long Hậu
Dấu ấn hội nhập
Hơn mười năm trước, một vùng đất trũng thấp dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường, ngập mặn khiến một bộ phận người dân xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc làm lúa chẳng được mùa, chăn nuôi cũng khó. Nhưng bây giờ, vùng đất này dần chuyển sang đất công nghiệp và đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Giám đốc Tiếp thị-Kinh doanh Công ty (Cty) Cổ phần Long Hậu - Bùi Lê Anh Hiếu phấn khởi cho biết, do nằm ở vị trí tiếp giáp TP.HCM là điều kiện khá lý tưởng giúp Long Hậu thu hút đầu tư. Với quy mô tổng diện tích trên 248ha, KCN Long Hậu lấp đầy 80% diện tích. Có 148 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với 69 DN trong nước và 79 DN nước ngoài đến từ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Úc, Hồng Kông, Philippin, Malaysia,...
Trong quy hoạch, Long Hậu hướng đến khách hàng mục tiêu là các DN vừa và nhỏ. Mong muốn của Long Hậu là xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi nhất, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Hiện tại, Long Hậu có nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ nhà đầu tư như: Ngân hàng, khu lưu trú, khu dân cư, trường mầm non, trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải,... Đặc biệt, 100% nước thải tại KCN được tái sử dụng và được đánh giá là thân thiện môi trường. Tích hợp những điều kiện trên, Long Hậu cũng là KCN đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đoạt giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Có thể nói, bắt đúng tâm lý cũng như đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động đầu tư nước ngoài nên Long Hậu có sức hấp dẫn, tạo được dấu ấn đối với nhà đầu tư.
Đến thời điểm này, nhà máy chế biến gỗ nhân tạo của Cty TNHH Vina Eco Board tại KCN Phú An Thạnh đi vào hoạt động gần 4 năm. Tổng Giám đốc Cty TNHH Vina Eco Board - Satoshi Abe cho biết, nhà máy có thiết kế công suất 250.000m³/năm với vốn đầu tư 110 triệu USD. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, sản phẩm có mặt tại thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nguyên liệu đầu vào sản xuất gồm: Tràm, bạch đàn, mùn cưa,... cung cấp chủ yếu từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Satoshi Abe cho rằng, Cty chọn KCN Phú An Thạnh để đầu tư xây dựng nhà máy vì Long An có nguồn nguyên liệu rất lớn từ cây tràm để sản xuất gỗ nhân tạo. Bên cạnh đó, KCN này có lợi thế về giao thông. Đã “an cư”, Vina Eco Board tập trung tìm kiếm thị trường, nỗ lực sản xuất với các tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu đầu vào lẫn kỹ thuật. Đến nay, sản phẩm gỗ ép nhân tạo của Vina Eco Broad được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản JIS (đây là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi ở Nhật. Hệ thống tiêu chuẩn JIS áp dụng đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản). Vì vậy, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường truyền thống, Vina Eco Board đang triển khai sản xuất và xuất khẩu sang Nhật. Và chắc chắn một điều rằng, sản lượng cũng như doanh thu của đơn vị sẽ tăng lên đáng kể.
Những năm gần đây, với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng, Cty Cổ phần Gạch khối Tân Kỷ Nguyên ở KCN Thịnh Phát ứng dụng công nghệ chưng khí áp cho ra đời sản phẩm gạch không nung (gạch block). Phó Giám đốc nhà máy gạch - Lê Xuân Lượng cho biết, gạch block đang dần trở nên phổ biến, được các nhà thiết kế, nhà thầu, chủ đầu tư đánh giá cao tính hiệu quả về mặt kinh tế lại giúp tăng tiến độ và giảm những rủi ro, tai nạn trong thi công. Chính vì vậy, sản lượng của Cty năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, kế hoạch sản xuất của đơn vị là 110.000m3, tuy vậy, đến cuối năm, sản phẩm xuất xưởng vượt 120.000m3. Trong đó, thị phần trong nước chiếm 50%, 50% còn lại được xuất khẩu sang các nước: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan,...
Ngoài ra, thời gian gần đây, Cty tiếp tục cho ra đời sản phẩm mới là tấm dựng panel xuất khẩu sang Úc, New Zealand. Sản phẩm này đang được thị trường các nước tiên tiến ưa chuộng bởi tính bền, nhẹ và ít hao tốn thời gian trong xây dựng. Tuy nhà máy hoạt động hết công suất nhưng lượng gạch sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Trước nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng, Tân Kỷ Nguyên tiến hành đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị mới cho sản xuất. Đến đầu tháng 6-2016, nhà máy sẽ nâng công suất lên đến 400.000m3/năm và trở thành nhà máy sản xuất gạch không nung lớn nhất Việt Nam và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Công nhân sản xuất tại Nhà máy Cáp điện Thịnh Phát - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dây cáp điện Việt Nam
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế - Nguyễn Văn Tiều cho biết, năm 2015 là năm được mùa trong thu hút đầu tư của tỉnh cả ở khu vực đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây. Long An không có nhiều dự án quy mô lớn, tuy vậy, trung bình mỗi năm, các KCN thu hút hàng trăm dự án đầu tư, tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động. Năm 2015, Long An thu hút 209 dự án, trong đó, 84 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 484 triệu USD, tăng 18,3% về dự án, tăng 18,3% về vốn so với năm 2014; 125 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 11.553 tỉ đồng, tăng 101,6% về dự án và tăng 116,7% về vốn đăng ký so với năm 2014. Như vậy, từ khi thành lập các KCN đến nay, có 1.049 dự án đầu tư vào KCN, gồm 411 DN FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.632 triệu USD và 638 DN DDI với tổng vốn 44.969 tỉ đồng. Các KCN trong tỉnh giải quyết việc làm cho 88.560 lao động, tăng 6% so với cùng kỳ.
Để công tác xúc tiến đầu tư đi vào nền nếp, Ban Quản lý Khu kinh tế cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư bước đầu đồng bộ dữ liệu “Đăng ký kinh doanh” theo phương án bán tự động, từng bước hoàn chỉnh để tiến tới việc chuẩn hóa, thống nhất dữ liệu. Ngoài ra, thay cho phương pháp truyền thống hướng dẫn, hỗ trợ DN bằng văn bản giấy, Ban Quản lý Khu kinh tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của ban, thực hiện tiếp cận, hỗ trợ DN thông qua việc cung cấp thông tin trên website, đồng thời thông tin nhanh chóng đến DN thông qua mailing-list. Những ứng dụng này không những giúp Ban Quản lý tiết kiệm chi phí mà còn tạo cho luồng thông tin đến DN nhanh chóng hơn, tăng sự hài lòng của DN.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Minh Hạ: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi tiếp cận các dịch vụ công tốt nhất, thời gian qua, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, đăng ký thuế và cấp chứng nhận đăng ký mẫu dấu trên địa bàn tỉnh Long An. Qua đó, góp phần giảm thời gian và chi phí đăng ký DN cho người dân. Nếu như trước đây, người dân phải mất 5 ngày thì nay, thủ tục chỉ gói gọn trong 3 ngày. Chúng tôi xem khó khăn của DN là khó khăn của chính mình để xử lý hợp lý, hợp tình, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư khi đến Long An”.
Ấn tượng từ những con số
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong KCN có nhiều khởi sắc, nhất là đối với những DN có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Đến cuối năm 2015, tỉnh có 552 dự án/DN đang hoạt động, tăng 52 dự án so với năm 2014. Doanh thu năm 2015 khu vực FDI ước đạt 1.268 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2014; khu vực DDI ước đạt 26.590 tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2014. Các DN FDI nộp ngân sách Nhà nước ước năm 2015 đạt 51 triệu USD, tăng 13% so với năm 2014; khu vực DDI ước đạt 847 tỉ đồng, giảm 6,93% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong hoạt động xuất khẩu của năm, kim ngạch xuất khẩu của DN FDI và DDI trong KCN ước đạt 774 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, khu vực FDI đạt 581 triệu USD, tăng 18,57% so với cùng kỳ năm 2014 và đóng góp gần 75% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực FDI và DDI. Về nhập khẩu, doanh nghiệp FDI và DDI nhập khẩu ước đạt 997 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, DN FDI nhập khẩu 591,2 triệu USD, tăng 18,69% so với cùng kỳ và chiếm 60,46% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các KCN ngày càng phát huy hiệu quả, được nhiều nhà đầu tư tìm đến. Đây là tín hiệu vui trong quá trình phát triển tỉnh nhà. Xuân về trên các KCN với niềm tin tiếp tục có những bước tiến mới./.
Thanh Tùng