Đại biểu Quốc hội bày tỏ điều này khi thảo luận tại hội trường về báo cáo mà Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát vừa trình Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cần xem xét thật có lý, có tình
Khẳng định Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này đúng và kịp thời, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19.
Biểu hiện rõ nhất là thành công trong huy động nguồn lực vaccine tiêm phòng cho nhân dân, trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine, nhanh chóng thành lập quỹ vaccine.
“Nhờ có vaccine kịp thời, đầy đủ mà chúng ta chặn đứng được đại dịch, cứu được sinh mạng nhân dân, đó thực sự là hiệu quả vô giá về nguồn lực phòng chống dịch” – ông Nguyễn Anh Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Cho rằng, đại dịch vừa qua không khác gì cuộc chiến tranh và sự đóng góp của nhân dân là rất to lớn, song vị đại biểu này tâm tư khi báo cáo nêu rõ còn nhiều tồn tại, có những sai phạm nghiêm trọng trong phòng chống dịch, có sai phạm ở lĩnh vực rất ít sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ...
Theo ông, có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kit test. Thật đau đớn, đáng lên án và sự trả giá là quá đắt.
“Đồng ý ai tham ô, tham nhũng, xà xẻo trong phòng chống Covid-19 thì cần xử lý nghiêm khác, tuy nhiên cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai có sai sót mà không vụ lợi vì để kịp thời chống dịch, vì lợi ích cộng đồng. Nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới” – đại biểu bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế chú ý sản xuất kit test, vaccine và “Việt Nam không thể kém hơn quốc tế, đặc biệt là các nước quanh ta”. Vì kit test cần nhiều cho chẩn đoán, phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là các bệnh dịch mới nổi.
Ông cũng đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam vì đã quá muộn, cần tìm mua loại tốt, giá cả hợp lý để tiêm phòng cho nhân dân.
“Đại dịch cho thấy rõ lòng tham của một số người”
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó trưởng Đoàn ĐBQH hoạt động chuyên trách tỉnh Bình Thuận thì nhấn mạnh, qua đại dịch cho thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với sức khoẻ của nhân dân. Qua đau thương mới thấy tình yêu thương con người. Song, qua đại dịch cũng thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả người có chức quyền, lợi dụng mất mát, đau thương để cấu kết làm trái quy định, bị pháp luật nghiêm trị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông
Đại biểu kể lại tâm sự của một bác sĩ trải lòng khi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát chuyên đề này và cho rằng, đây cũng là tâm tư của nhiều y bác sĩ khác.
“Quá trình phòng chống dịch, đội ngũ y bác sĩ của đơn vị cố gắng hết sức, động viên nhau làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, ô xy, sinh phẩm cứu bệnh nhân vì sinh mạng con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng, tuy nhiên, khi hết dịch, qua vụ án Việt Á và vụ án liên quan, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của bác sĩ, nhà quản lý y tế là viết báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng” – ông Nguyễn Hữu Thông nói.
Cũng theo đại biểu, khi vị bác sĩ đó làm việc với cơ quan chức năng, có thành viên nói rằng: “Trước tiên cảm ơn các anh đã cứu gia đình tôi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Không có các anh thì mẹ tôi, con tôi, gia đình khó qua khỏi. Nhưng trong quá trình đó, các anh làm chưa đúng quy định của pháp luật nên chúng tôi buộc phải xử lý”.
“Vị bác sĩ này cũng cám ơn Trung ương ban hành kịp thời hướng dẫn xử lý, phân hoá đối tượng nên rất nhiều trường hợp không vướng vòng lao lý” – ông Nguyễn Hữu Thông cho biết thêm.
Đại biểu cũng nêu nỗi lo khác của cơ sở y tế là làm sao trả nợ vật tư y tế đã mượn của doanh nghiệp để chữa trị cho bệnh nhân trong giai đoạn dịch bệnh. Doanh nghiệp liên tục đòi nhưng không có cơ sở hoàn trả.
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị cơ quan thanh tra, kiểm toán, trong quá trình thanh tra, kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần xem xét đến các yếu tố cấp bách, khách quan, tính nghiêm trọng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm khách quan, phù hợp với bối cảnh và tình hình gắn với thực hiện Nghị quyết số 30./.
Liên quan vụ việc mua kít xét nghiệm của Công ty cổ phần Việt Á, báo cáo của Đoàn giám sát trình Quốc hội cho biết, đến đầu tháng 5/2023, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can.
Trong đó cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu), khởi tố 1 vụ án, 31 bị can; cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố 1 vụ án, 5 bị can; cơ quan cảnh sát, điều tra của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can. Vụ án cũng đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Về việc tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại khu vực dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức có liên quan ở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và một số địa phương.
Đến ngày 3/4/2023, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 54 bị can về 5 hành vi phạm tội (gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản). Vụ án đã được Viện kiểm sát tối cao hoàn tất cáo trạng và chuyển cơ quan xét xử.
“Cơ quan chức năng chưa phát hiện vi phạm các quy định về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong vụ việc này” – báo cáo thể hiện.
|
Ngọc Thành/VOV.VN