Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các quy định về kinh doanh xăng dầu tại điểm kinh doanh
Có hiệu lực từ ngày 10/7/2017, Nghị định 67 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Điều 3 của Nghị định 67 quy định cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Đặc biệt, mức phạt tối đa vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định 67 còn có hình thức xử phạt bổ sung tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm như tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính. Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Điều 30 Nghị định 67 quy định cụ thể mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bán xăng dầu. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy; phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác; phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động (nhưng không phải cột bơm mini) mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép; phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định, không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định, giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; phạt tiền từ 120 - 140 triệu đồng đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tồn trữ, kinh doanh xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối, thương nhân kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu (trừ trường hợp mua để sử dụng phục vụ sản xuất). Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Nghị định 67 còn quy định đối với hành vi pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi sẽ bị xử phạt từ 60 - 100 triệu đồng./.
6 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Long An kiểm tra, phát hiện, xử lý 3 vụ vi phạm, 1 vụ kinh doanh xăng dầu không được phép lưu hành, 1 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh, 2 vụ vi phạm về chất lượng. Tổng số tiền phạt hơn 418 triệu đồng. Cụ thể, ngày 21/5/2018, Chi cục Quản lý thị trường có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DNTN P.K với số tiền trên 43 triệu đồng về hành vi bán xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngày 29/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH N.T.T (huyện Bến Lức) số tiền 369 triệu đồng về hành vi bán xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia… |
Mai Hương