Dãy nhà xây của xóm Việt kiều
Từ Đường tỉnh 831 đi theo con lộ trải sỏi đỏ vào phía trong Khu dân cư Vĩnh Bình khoảng vài trăm mét là đến dãy nhà của xóm “Việt kiều”. Đây là những ngôi nhà nghĩa tình mà Nhà nước xây dựng bố trí cho các hộ Việt kiều Campuchia đang sống rải rác, tạm bợ ở 2 xã Vĩnh Bình và Tuyên Bình từ tháng 7-2019 đến nay.
Đã có ngôi nhà mơ ước
13 giờ, trời nắng chang, tại xóm Việt kiều, mấy đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa, cười khúc khích trước hiên. Trong căn nhà nhỏ, một số người già nằm giữa nền nhà lát gạch xem tivi, móm mém nở nụ cười tươi. “Ngày trước nền đất, sàn gỗ cây tạm bợ chứ làm gì có gạch mát rượi thế này” - một bà cụ vui vẻ nói. Ông Tâng Văn Thọ, 63 tuổi, vừa đi cắt lục bình về cho biết, ở xóm Việt kiều, ai cũng nghèo “rớt mồng tơi”, không có đất sản xuất nên cứ sáng sớm, hầu hết những người trẻ ở xóm đều đi mưu sinh. Giờ này mới qua trưa nên chỉ có người già yếu hoặc phụ nữ mới sinh con với mấy đứa nhỏ còn thơ dại là ở nhà. Ông Thọ kể, năm 2005, cả gia đình gồm 10 người rời Biển Hồ (Campuchia) về lại quê hương dựng nhà sống dọc bờ kênh. Ước mơ về căn nhà gạch để ở cũng chỉ trong mơ. Nhưng rồi, giờ đây điều đó là sự thật, thậm chí một số người con của ông lập gia đình riêng cũng được Nhà nước xây nhà ở trong xóm này.
Bà Nguyễn Thị Kiếm, hơn 70 tuổi, một hộ dân đang sinh sống ở xóm Việt kiều
Cách nhà ông Thọ vài căn, bà Nguyễn Thị Kiếm ngồi trên tấm phản gỗ tràm tự đóng để trước nhà nhìn mấy đứa trẻ con chơi đùa. Bà năm nay hơn 70 tuổi, khuôn mặt gầy guộc, bàn tay chai sần. Như bà nói, gần cả đời người sống ở Biển Hồ Campuchia rồi, khổ cực mưu sinh đã nếm trải đủ cả. Theo bà Kiếm, về ở nhà mới được vài tháng, người chồng qua đời vì tuổi già. Sau khi ông qua đời, bà sống với 3 cháu nội, đứa lớn 17 tuổi, đứa kế 14 tuổi và nhỏ nhất là 10 tuổi. Cha 3 đứa nhỏ đã chết lâu rồi, còn mẹ mới chết cách đây chưa lâu. “Bây giờ, 3 đứa cháu đã có căn nhà gạch để ở. Hy vọng từ sự tiếp sức của Nhà nước và tấm lòng của đồng bào, các cháu tui sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn” - bà Kiếm hy vọng.
Ấm áp nghĩa đồng bào
17 giờ, xóm Việt kiều đông vui hơn bởi mọi người đã trở về sau một ngày mưu sinh vất vả ở nhiều nơi khác nhau từ Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường. Trên tay nhiều người còn cầm lỉnh kỉnh mớ thực phẩm mua ở chợ mang về cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Ghé thăm gia đình anh Trần Văn Tiến, 44 tuổi, lúc này các thành viên đang cùng nhau nấu nướng, lặt rau. Gia đình anh đã hồi hương từ Biển Hồ về Vĩnh Hưng 14 năm trước. Nhờ có sức khỏe nên anh Tiến đi làm hồ được 200.000-300.000 đồng/ngày. Cuộc sống bươn chải vất vả nên nhìn anh già trước tuổi, da rám nắng. “Thế nhưng, so với cái thời ở bên Biển Hồ thì cuộc sống ở đây tốt hơn rất nhiều. Đúng là không đâu ấm áp, nghĩa tình như ở quê hương mình” - anh Tiến chia sẻ.
Mấy đứa trẻ nhỏ đứng xem tivi
Nghe hỏi chuyện về sự trợ giúp của các cấp, các ngành, bà Huỳnh Thị Vàng, 60 tuổi, đang sống ở xóm cho biết thêm, ngoài được hưởng chính sách nhà ở của Nhà nước, hàng năm vào dịp tết, các hộ dân được chính quyền địa phương vận động hỗ trợ tiền. Tùy từng năm, nhưng số tiền trao cho 1 gia đình cũng từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Chiều muộn, ông Trần Văn Ngân, 51 tuổi, vừa đi làm mướn về. Ông cho biết, đã hồi hương gần 20 năm nhưng sống tạm bợ ngoài ghe. Hiện nay, được Nhà nước xây nhà cho ở là sướng lắm rồi. Có được như hôm nay là một sự đổi đời, còn trước đây cực khổ lắm!
Nói về chuyện đón tết, ông Thọ, ông Ngân, anh Tiến, bà Vàng đều cho biết: Sung túc, đủ đầy thì chưa thể có được. Tuy nhiên, sẽ cố gắng để có cái tết vui vẻ, đầm ấm. Những thực phẩm, bánh, mứt cần thiết trong ngày tết và mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên là phải có. Các hộ dân cũng dự định, ngày giáp tết sẽ rủ nhau ra chợ mua vài chậu hoa về trang trí trong nhà cho ấm cúng. Hy vọng cuộc sống trong năm mới sẽ ngày càng tốt hơn.
Rời xóm Việt kiều, chúng tôi vẫn nghe những tiếng nói, cười rôm rả, vui đùa khúc khích của bọn trẻ, xen lẫn bài hát “Tết, tết, tết, tết đến rồi...” phát ra từ cái tivi trong nhà vang vọng ra càng làm cho xóm Việt kiều vui hơn. Một cuộc sống mới đang hiện rõ nơi này./.
Lê Đức