Bộ Công Thương ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có việc Hà Nội sẽ xoá bỏ và di dời chợ Long Biên (quận Ba Đình) giai đoạn từ năm 2015-2020. Ngay sau khi biết thông tin này, hàng nghìn hộ kinh doanh tại chợ Long Biên như “đứng trong chảo lửa”…
“Xóa chợ, chúng tôi xoay sở thế nào?”
Thông tin về việc xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối Long Biên khiến hàng nghìn người lao động và tiểu thương tại chợ này đứng ngồi không yên. Chủ cửa hàng, ki-ốt lo lắng vì mất cơ nghiệp, người lao động tự do lo mất việc làm, lo thất nghiệp và cuộc sống gia đình sẽ trở nên khó khăn.
Chị Ngọc, chủ ki-ốt số 4 chợ Long Biên đang đóng hàng cho khách
Chị Ngọc, chủ ki-ốt số 4 chợ Long Biên, cửa hàng chuyên bán các loại cá khô, mực, cá chỉ vàng, cá cơm, cho biết: “Bản thân chưa nhận được thông báo chính thức từ Ban Quản lý chợ, nhưng nghe thông tin trên báo đưa, bản thân tôi rất hoang mang không biết thực hư thế nào. Vì hiện tại, chợ đang được tu sửa gần nửa tháng nay, nghe nói đầu tư tu sửa chợ mất hơn 30 tỷ, giờ lại bảo di dời, xóa sổ chợ trong mấy năm tới, thực tình chẳng biết đâu mà lần. Bản thân tôi và gia đình trông chờ cả vào cửa hàng này, nếu xóa sổ thật thì cuộc sống không biết ra sao, vì bản thân đang nuôi 2 con ăn học”.
Cùng tâm trạng với chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Xuân, chủ ki-ốt số 81C8, chuyên cung cấp dưa, bức xúc: “Cả nhà chúng tôi 7 người trông cả vào cửa hàng này, chợ mà chuyển đi thì lấy gì mà sinh sống. Thêm vào đó, con trai, con dâu không có công ăn việc làm, đẻ sinh đôi 1 lúc 2 đứa cháu… nếu chuyển đi hoặc xóa sổ thì chúng tôi xoay sở thế nào”.
Chị Nguyễn Thị Nhung, 55 tuổi ở huyện Gia Lâm, làm thuê tại chợ, đang nằm ngủ sau một đêm làm việc cật lực, bỗng nhiên bật dậy khi nghe tin chợ sắp bị xóa sổ. Chị hốt hoảng: “Con cháu trong nhà gần như không có công ăn việc làm, phần lớn đều làm thuê ở đây. Bản thân tôi đi làm thuê được trả cho 5-6 triệu đồng/tháng. Bây giờ nếu chợ không còn hoạt động thì không biết cuộc sống sẽ thế nào, không biết làm gì nữa”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, chủ hàng dưa tại chợ Long Biên
Là tiểu thương chuyên cung cấp sỉ, lẻ các loại dưa vàng tại chợ, chị Nguyễn Thị Thanh Mai, cho biết: “Cả gia đình chúng tôi trông chờ cả vào ki-ốt này. Nếu chợ chuyển đi hoặc xóa bỏ thì chuyện đón đưa con đi học và sinh hoạt gia đình sẽ vô cùng đảo lộn. Hiện tại, tôi đang tạo công ăn việc làm cho 2 lao động, nếu đóng cửa, đồng nghĩa bản thân tôi và người làm thuê cũng sẽ thất nghiệp. Mà chợ cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở quê lên làm thuê, giờ mà di dời, xóa sổ chợ thì khó khăn cho chúng tôi quá”.
Chị Mai hi vọng: “Chợ chỉ sửa sang, nâng cấp lại thôi, để chúng tôi tiếp tục buôn bán để đảm bảo cuộc sống gia đình và những lao động tỉnh lẻ”.
Nhiều tiểu thương lo sẽ… trắng tay
Quy hoạch với mốc thời gian sẽ xóa bỏ chợ Long Biên hiện tại không còn xa nữa khiến nhiều người đang mưu sinh nhờ chợ này rất lo lắng, nhất là các tiểu thương bỏ ra tiền tỷ để mua ki-ốt tại đây. Đồng thời, có nhiều hộ kinh doanh mới sang nhượng, hoặc mua, thuê lại ki-ốt chưa kịp hoàn vốn, có thể sẽ thành trắng tay mà còn lâm cảnh nợ nần.
Hoạt động chủ yếu về đêm nên ban ngày chợ khá vắng
Thêm vào đó, hàng ngàn người dân bán sức lao động, họ dắt díu từ quê ra làm thuê, gánh, bốc dỡ hàng hóa, chở hàng... Nếu chợ đóng cửa, hàng ngàn người dân lao động tự do tại đây sẽ có nguy cơ... thất nghiệp.
Chị Xuân, chủ ki-ốt số 81C8 buồn rầu: “Gần 20 năm nay cuộc sống chúng tôi gắn liền với chợ này. Cả căn nhà 30m cũng chẳng bằng 6m2 ở chợ. Thời gian chúng tôi ở đây nhiều hơn ở nhà. Những tiểu thương ở đây đều làm quần quật từ 11h đêm trước đến 12h trưa hôm sau. Còn người làm thuê, họ gánh hàng từ 2.000 - 5.000 đồng/gánh để nhặt nhạnh từng đồng. Có người đi từ 12h đêm hôm trước đến 10h hôm sau mới kiếm được 200.000 -300.000 đồng. Họ bán sức lao động để nuôi con ăn học, để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Với hơn 1000 hộ kinh doanh, thêm hàng trăm, hàng nghìn người làm thuê, nếu đóng cửa, xóa sổ chợ, chúng tôi lấy gì mà ăn?”
Chị Xuân cho biết thêm, nếu đóng cửa chợ, bản thân tôi 50 tuổi rồi, không biết làm gì để sống, gia đình sẽ thật sự lao đao, khốn đốn.
Còn chủ ki-ốt số 006D5 chuyên bán buôn, bán lẻ các loại hoa quả chất lượng cao cho biết: “Bản thân tôi chưa nhận được thông tin, thông báo gì về việc sẽ di dời, xóa sổ chợ này cả. Tôi không tin là chợ sẽ xóa sổ đâu. Hiện họ đang sửa thôi”.
Hay tin chợ Long Biên có thể bị xóa bỏ, người lao động lo lắng...
Đa số, các tiểu thương tại chợ Long Biên đều cho rằng, việc buôn bán tại đây rất hiệu quả, nghiêm túc. Chợ sạch sẽ, các tiểu thương đóng thuế cho nhà nước đầy đủ. Ban quản lý cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì rất tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, an ninh tốt, không xảy ra cháy nổ.
Chị Ngọc, chủ cửa hàng bán cá khô tha thiết đề nghị: “Nếu thực sự phải di dời hoặc xóa bỏ chợ vì mục tiêu quốc gia thì cũng cũng đành chấp nhận. Chỉ mong nhà nước tạo điều kiện di dời cho các tiểu thương bán hàng tại chợ khác thuận lợi nhất để chúng tôi đảm bảo cuộc sống, tránh trường hợp thất nghiệp, mất nghiệp”./.
CTV Hà Thanh/VOV.VN