Tiếng Việt | English

21/03/2018 - 22:55

Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia - Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, do UBND tỉnh tổ chức ngày 20/3/2018.

Toàn tỉnh có 292 trường học đạt chuẩn quốc gia

Xác định tầm quan trọng trong công tác xây dựng trường học đạt CQG, dựa trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn công nhận trường đạt CQG theo quy chế được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với từng cấp học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện đạt kết quả một số nội dung trong công tác xây dựng trường học đạt CQG.

Kết quả, đến ngày 28/02/2018, toàn tỉnh có 292 trường học đạt CQG theo tiêu chí mới, đạt 43,65%. Cụ thể: Mầm non 65/224 đơn vị, đạt 29,02%; Tiểu học 128/262 đơn vị, đạt 48,85%; THCS 88/135 đơn vị, đạt 65,19%; THPT 11/48 đơn vị, đạt 22,92%.

Toàn tỉnh có 292 trường học đạt chuẩn quốc gia

Đạt kết quả trên là nhờ sự huy động nhiều nguồn lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng trường đạt CQG. Huyện Châu Thành là địa phương xây dựng trường đạt CQG gắn với xây dựng huyện nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành - Lê Tấn Hiền chia sẻ: “Hiện nay, toàn huyện có 36/39 trường đạt CQG, đạt 92,3%. Công tác xây dựng trường đạt CQG phải có sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp từ huyện đến cơ sở, được đưa vào nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể, quy về một đầu mối cho cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải kịp thời bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách hoặc xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục,...”.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả, công tác xây dựng trường học đạt CQG còn nhiều khó khăn. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh, Mộc Hóa là huyện vùng trũng nên việc san lấp mặt bằng để xây dựng và nâng cấp sân chơi, bãi tập cho học sinh tốn rất nhiều kinh phí. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng trường CQG còn hạn chế, nguồn vốn hỗ trợ trang thiết bị của tỉnh cũng ít so với yêu cầu tiêu chuẩn công nhận trường đạt CQG.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Huyện Cần Đước có khu công nghiệp đang hoạt động nên gia tăng dân số cơ học dẫn đến áp lực sĩ số học sinh ở một số trường rất cao. Ngoài ra, huyện còn thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên cấp mầm non. Vì vậy, ngành GD&ĐT phải có giải pháp hoặc “mềm hóa” tiêu chí về cơ sở vật chất để huyện đạt kế hoạch xây dựng trường đạt CQG trong năm 2020”.

Nhiều trường bị rớt chuẩn và không được công nhận lại sau 5 năm

Mặt khác, hiện nay, nhiều trường học được công nhận đạt CQG trên 5 năm chưa được lãnh đạo địa phương quan tâm xây dựng kế hoạch công nhận lại; ở những địa phương có khu, cụm công nghiệp phát triển, số lượng trẻ (con của lao động nhập cư) ngày càng tăng và không ổn định, ảnh hưởng đến việc dạy và học; nhu cầu dạy 2 buổi/ngày và bán trú cho học sinh mầm non, tiểu học khá cao trong khi giáo viên và phòng học còn thiếu; các nguồn kinh phí huy động hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh ghi nhận những kết quả cũng như những kiến nghị, đề xuất trong xây dựng trường đạt CQG. Ông yêu cầu, các địa phương cần rà soát, quy hoạch quỹ đất; lập kế hoạch đánh giá thực trạng, thực tế các tiêu chí, tiêu chuẩn; thường xuyên kiểm tra thực trạng xây dựng trường đạt CQG để có biện pháp tháo gỡ; rà soát nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương, nhất là huy động các nguồn vốn khác trong xây dựng trường đạt CQG./.

Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu có trên 48% trường được công nhận đạt CQG theo tiêu chí mới, trong đó, 28 trường đăng ký đạt lần đầu, gồm: Mầm non 10 đơn vị, tiểu học 11 đơn vị, THCS 5 đơn vị, THPT 2 đơn vị; đăng ký công nhận lại 65  trường: Mầm non 25 đơn vị, tiểu học 23 đơn vị, THCS 14 đơn vị, THPT 3 đơn vị.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết