Tiếng Việt | English

11/05/2022 - 09:41

Xây dựng nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh Long An thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là hạn, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp và mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân.

Chủ động thích ứng

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, thiếu nước,... Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương vận động, khuyến khích và hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác để ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại.

Các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa,... hàng năm đều đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm và thường xuyên yêu cầu những địa phương này tăng cường vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các loại cây ngắn ngày, chịu hạn tốt để thích ứng với BĐKH. Cụ thể, tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, nông dân chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậuNgành Nông nghiệp chủ động kiểm tra chất lượng nước để kịp thời khuyến cáo nông dân chủ động sản xuất

Anh Trần Văn Cang (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi trồng lúa nhưng do hạn, mặn nên năng suất thấp. Từ năm 2016, tôi bắt đầu chuyển sang trồng rau. Với diện tích khoảng 0,5ha, gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 15-20 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa”. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên rà soát các diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Ðối với các diện tích có nguy cơ thiếu nước, không thể trồng lúa, ngành Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp UBND xã, thị trấn vận động nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu nhằm hạn chế thiệt hại. Những năm gần đây, rau đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích hơn 700ha, trong đó có trên 597ha rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”. 

Xây dựng nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậuỨng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững

Thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường là những vấn đề có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Nhận thức được điều này, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động xây dựng những mô hình sản xuất theo hướng thích ứng, hiệu quả và bền vững. Điển hình là mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”.

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết: “Khi nông dân thực hiện quy trình “1 phải, 5 giảm” sẽ tiết kiệm được 50% giống, 40% phân hóa học, 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; trong khi năng suất tăng 10%, lợi nhuận tăng 10%. Đây là mô hình không chỉ thích ứng với BĐKH mà còn giảm chi phí đầu vào, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình trồng rau màu, dưa lưới, táo trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế khá, chất lượng sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng. Về chăn nuôi có các mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học, nuôi gia súc trên đệm lót sinh học,...

Phát triển nông nghiệp xanh

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, cây ăn trái, rau màu,... tuy nhiên, trước tình hình BĐKH ngày càng gay gắt, nhất là hạn và xâm nhập mặn; đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi thị trường tiêu dùng chú trọng mạnh đến những mặt hàng nông sản sạch, thời gian gần đây, ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, cũng như nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường (mô hình nông nghiệp xanh).

Qua đây, góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa học mà chuyển sang ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới từ những mô hình sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.

Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình trồng lúa hữu cơ

Một trong những mô hình đang mang lại hiệu quả tích cực là trồng xoài Úc theo hướng nông nghiệp xanh tại ấp Trung Liêm, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Ông Phạm Nghĩa Văn, đang canh tác 7ha xoài Úc theo hướng hữu cơ, chia sẻ: “Nơi đây là vùng đất phèn và ngày trước nông dân chủ yếu gắn bó với cây lúa. Tuy nhiên, việc canh tác lúa những năm gần đây không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, gia đình tôi đã quyết định cải tạo đất, lên vườn để trồng xoài Úc theo hướng hữu cơ”.

Cũng theo ông Văn, xoài Úc sau khi trồng 48 tháng sẽ tiến hành thu hoạch trái đợt đầu, sau đó 12 tháng sẽ thu hoạch xoài lần 2. Được biết, trọng lượng mỗi trái xoài Úc từ 0,8 - 1,5kg, giá bán trung bình từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. “Quá trình chăm sóc xoài rất dễ do toàn bộ phân bón và thuốc sử dụng đều là hữu cơ nên an toàn sức khỏe cho người trồng; đồng thời, sản phẩm tạo ra cũng an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ tốt môi trường. Đặc biệt, trong tình hình BĐKH, nhất là nắng nóng gay gắt khi vào mùa khô như hiện nay thì cây xoài rất thích hợp. Bởi lẽ, trồng xoài không cần tưới nhiều nước mà cây vẫn xanh tốt và cho trái to” - ông Văn chia sẻ thêm.

Chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu

Cùng với xoài Úc đang thực hiện có hiệu quả tại xã Thái Bình Trung thì mô hình sản xuất hướng đến nông nghiệp xanh của huyện Vĩnh Hưng còn được triển khai bước đầu trên nhiều loại cây trồng khác. Cụ thể, huyện đã triển khai được 4 mô hình trồng lúa VietGAP, với diện tích 185ha ở các xã: Khánh Hưng, Tuyên Bình, Vĩnh Thuận, năng suất lúa bình quân ước đạt 75 tạ/ha, lợi nhuận ước đạt 23 triệu đồng/ha (tăng 5,3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình). Ngoài ra, huyện Vĩnh Hưng tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và khuyến cáo, định hướng phát triển mô hình theo quy hoạch; đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật và kết nối tiêu thụ nông sản.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Không chỉ những hộ sản xuất trong mô hình nông nghiệp hữu cơ mà ngành Nông nghiệp huyện còn đang tích cực khuyến cáo người dân trong huyện hạn chế việc sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất để tiến dần đến việc sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ. Từ những mô hình ban đầu như trên sẽ tạo ra tiền đề và bước đệm quan trọng giúp địa phương nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, cũng như hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH, mô hình sản xuất “thuận thiên”. Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung tổ chức sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành phối hợp triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hoàn thiện hệ thống chế biến, hậu cần, vận chuyển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, liên ngành và thúc đẩy hợp tác; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa; đồng thời, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.

Ngoài ra, ngành tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các hạng mục công trình trọng điểm mang lợi ích chung và các nhiệm vụ phi công trình mang tính lâu dài cho phát triển sinh kế của người dân”./.

Khi nông dân thực hiện quy trình “1 phải, 5 giảm” sẽ tiết kiệm được 50% giống, 40% phân hóa học, 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; trong khi năng suất tăng 10%, lợi nhuận tăng 10%. Đây là mô hình không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giảm chi phí đầu vào, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết