Tiếng Việt | English

03/10/2018 - 19:44

Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định, vì lợi ích lâu dài của nhân dân 2 nước, công tác phân giới cắm mốc (PGCM) trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được thực hiện tích cực để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Đạt nhiều kết quả

Long An có đường biên giới dài 132,97km, đi qua 6 huyện, thị xã và tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Trong đó, biên giới trên đất liền dài khoảng 89km. Long An được giao xác định và xây dựng 54 vị trí mốc với 60 cột mốc chính (trong đó có 6 mốc đôi). Để việc nhận biết đường biên giới dễ dàng hơn, tỉnh được Ủy ban Liên hợp PGCM biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia giao xác định và xây dựng 61 vị trí với 85 cột mốc phụ. 

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh - Đỗ Thành Sơn cho biết: “Công tác PGCM có ý nghĩa quan trọng, nhằm xác lập đường biên giới giữa 2 nước. Tiến hành PGCM trên thực địa sẽ giúp 2 bên có đầy đủ cơ sở để nhận biết đường biên giới, phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia nhằm thực hiện công tác quản lý, bảo vệ. Hoàn thành việc PGCM sẽ tiếp tục góp phần giữ gìn, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước; giữ vững an ninh quốc gia, an ninh chính trị, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới”.

Tuần tra bảo vệ cột mốc

Đến nay, 2 bên xác định và xây dựng được 41 vị trí với 45 cột mốc chính (có 4 cột mốc đôi), tồn đọng 13 vị trí với 15 cột mốc; đã hoàn thành việc xác định, xây dựng 65 vị trí với 85 cột mốc phụ (Việt Nam đảm nhiệm xác định, xây dựng 22 vị trí với 36 cột mốc; Campuchia đảm nhiệm xác định, xây dựng 43 vị trí với 49 cột mốc phụ). Phân giới được khoảng 79,3km, trong đó 50,3km đường bộ, 29km đường sông.

Năm 2009, Long An bàn giao cho tỉnh Tây Ninh quản lý và sử dụng 3 vị trí đã xây dựng hoàn chỉnh (cột mốc 177, 179, 180). Năm 2018, tiếp nhận, quản lý 11 vị trí với 25 cột mốc phụ do Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh Đồng Tháp bàn giao.

Trên cơ sở kế hoạch được giao, từ đầu năm đến nay, bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban Biên giới Quốc gia trong thực hiện công tác PGCM, Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh chỉ đạo Đội PGCM số 7 Việt Nam phối hợp Đội PGCM số 2 Campuchia tập trung triển khai xác định thêm các điểm đặc trưng trên thực địa tại các đoạn biên giới cong để phục vụ việc lập biên bản mô tả hướng đi của đường biên giới; đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ PGCM liên quan phục vụ việc nghiệm thu hồ sơ, giúp Ủy ban Liên hợp PGCM Việt Nam - Campuchia lập Nghị định thư ghi nhận kết quả công tác PGCM 2 bên đã đạt trong thời gian qua.

Chung tay bảo vệ biên giới

Thời gian qua, an ninh biên giới được giữ vững, công tác phối hợp giữa các lực lượng của tỉnh ta và bạn diễn ra tốt đẹp; an ninh, trật tự trên tuyến biên giới được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia và nhân dân 2 bên biên giới.

Đứng chân trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, Đồn Biên phòng Bình Thạnh được phân công quản lý đoạn biên giới dài 9,7km qua địa bàn xã Bình Thạnh; quản lý, bảo vệ 4 cột mốt (198, 199, 200, 201) và 9 cột mốc phụ. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới, bảo vệ an toàn, nguyên vẹn các cột mốc trên địa bàn quản lý.

Tuyên truyền người dân biên giới chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của  Nhà nước

Thượng tá Nguyễn Văn Lùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh, cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, đơn vị thường xuyên tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền nơi đơn vị đóng quân làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị định 34 của Chính phủ, Luật Biên giới Quốc gia, quy chế khu vực biên giới,...

Anh Lê Văn Ly, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, chia sẻ: “Làm ruộng ở vùng biên giới, thấy có dấu hiệu khác lạ là người dân báo ngay với lực lượng biên phòng bởi đây là vùng giáp biên, cột mốc thể hiện chủ quyền quốc gia nên không ai được phép xâm phạm. Chúng tôi cùng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.

Đồn biên phòng Sông Trăng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài hơn 14,7km qua địa bàn 3 xã Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn biên phòng Sông Trăng cho biết: Đồn thường xuyên triển khai cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Campuchia và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành tốt các quy chế về biên giới và tham gia, phối hợp cùng lực lượng biên phòng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

“Trước đây, người dân sống trên địa bàn chưa hiểu biết nhiều về đường biên giới cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, nên còn vi phạm quy chế biên giới. Qua công tác tuyên truyền, mọi người hiểu và có ý thức tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Từ đó, người dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự khu vực biên giới” - ông Huỳnh Văn Dũng, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, nói.

Bên cạnh đó, trên khu vực biên giới, công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân được quan tâm, duy trì hiệu quả; thường xuyên củng cố, phát triển tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên qua lại thăm thân, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế,... Các ngành chức năng duy trì tốt phong trào Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự xóm, ấp khu vực biên giới và mô hình Tiếng kẻng vùng biên./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết