Tiếng Việt | English

18/04/2022 - 14:18

WHO cố gắng xác định chính xác số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu

Các chuyên gia cho rằng con số tử vong thực tế do COVID-19 trên thế giới đến cuối năm 2021 có thể lên đến 15 triệu ca, tức là hơn gấp đôi con số khoảng hơn 6 triệu ca được báo cáo chính thức.


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Ramat Gan (Israel). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiếp tục cố gắng để đưa ra giải đáp đối với câu hỏi của nhiều người về con số chính xác số ca tử vong vì COVID-19.

Theo báo New York Times, các chuyên gia đã tham gia các nỗ lực WHO trong năm qua cho rằng con số tử vong thực tế do COVID-19 đến cuối năm 2021 có thể lên đến 15 triệu ca, tức là hơn gấp đôi con số khoảng hơn 6 triệu ca được báo cáo chính thức.

Báo này dẫn các nguồn thạo tin về các dữ liệu sơ bộ của WHO cho biết trong số khoảng 9 triệu ca tử vong bổ sung so với dữ liệu báo cáo chính thức, khoảng 1/3 được cho là ở Ấn Độ, theo đó tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á có thể ở mức ít nhất 4 triệu ca, cao nhất thế giới.

Để đưa ra con số trên, WHO đã sử dụng các dữ liệu các quốc gia cung cấp về số ca tử vong vì COVID-19, kết hợp với những thông tin mới từ các khu vực và các khảo sát từ các hộ gia đình. WHO cũng sử dụng các mô hình thống kê để tìm ra số ca tử vong chưa được ghi nhận.

Các ca tử vong mà nguyên nhân trực tiếp không phải là COVID-19 cũng được tính vào số liệu trên, trong đó có các ca tử vong vì không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế bị gián đoạn trong đại dịch.

Tiến sỹ Prabhat Jha, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Toronto (Canada) và là một chuyên viên hỗ trợ WHO xác định chính xác số ca tử vong vì COVID-19 toàn cầu, cho rằng việc xác định con số chính xác các ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới có vai trò quan trọng cả về thực tiễn, về công tác thống kê và về đạo đức.

Theo Tiến sỹ Prabhat Jha, nếu xảy ra các làn sóng dịch bệnh tiếp theo, việc xác định đúng số ca tử vong là một phần quan trọng để đánh giá các chiến dịch tiêm chủng có thực sự hiệu quả hay không.

Trong khi đó, báo Mirror Now (Ấn Độ) dẫn lời Giáo sư Sanjeev Bagai từ New Delhi cho rằng phương thức tổng hợp của WHO còn nhiều hạn chế khi có tới 80% quốc gia trên thế giới không có các cơ sở dữ liệu y tế số hóa. Tình trạng báo cáo chưa đầy đủ số ca tử vong vì COVID-19 là vấn đề nhiều nước gặp phải, không chỉ riêng Ấn Độ.

Theo cách tính mới của WHO, ngoài Ấn Độ, một số nước khác như Nga, Trung Quốc, Ai Cập và Indonesia cũng được cho là có số liệu tử vong vì COVID-19 trên thực tế cao hơn so với báo cáo./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết