Tiếng Việt | English

29/04/2022 - 20:54

WHO cảnh báo bùng phát các dịch bệnh vốn có thể ngăn chặn được bằng vaccine

WHO và UNICEF cảnh báo, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu cho những căn bệnh không phải do virus SARS-CoV-2, khiến hàng triệu trẻ em đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy nguy hiểm của “cơn bão bệnh tật" vốn có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Đã đến lúc việc tiêm chủng đại trà cho trẻ em để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như sởi, sốt vàng da và bại liệt…phải được đặt ở "mức độ ưu tiên ít nhất giống như tiêm vaccine Covid-19”.


Tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: Getty.

Hơn 23 triệu trẻ em đã bị bỏ lỡ tiêm chủng định kỳ trong năm 2020 và đây là con số lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, 57 chiến dịch tiêm chủng ở 43 quốc gia đã bị hoãn lại, ảnh hưởng đến 203 triệu người, đa số là trẻ em. Những số liệu mới nhất vừa được báo cáo, trong 2 tháng đầu năm nay, trên toàn cầu ghi nhận tới 17.300 ca mắc sởi, so với khoảng 9.600 ca vào cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý nhất là châu Phi, nơi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm vốn có thể ngăn chặn được bằng vaccine do việc tiêm chủng bị trì hoãn. Số ca mắc bệnh sởi tại châu lục này đã tăng 400% trong năm 2022. Tính từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, châu Phi đã ghi nhận gần 17.500 ca mắc sởi. Viện dẫn số ca mắc sởi đã tăng gần 80% trên toàn thế giới trong năm nay, WHO và UNICEF còn cảnh báo, các dịch bệnh khác cũng có nguy cơ bùng phát tương tự.

Ngoài bệnh sởi là bệnh dễ lây lan nhất và dễ có các đợt bùng phát lớn khi không được tiêm phòng, thì sốt vàng da là một trong những dịch bệnh mà cộng đồng y tế không khỏi lo ngại có thể gia tăng tiếp theo, sau khi tình trạng số ca bệnh tăng được báo cáo ở Tây Phi. Trong năm ngoái, 13 quốc gia châu Phi ghi nhận đợi dịch sốt vàng da, tăng mạnh so 9 nước vào năm 2020 và 3 nước trong năm 2019.

Các chiến dịch tiêm chủng đại trà bị gián đoạn, việc hàng triệu trẻ em trên thế giới có nguy cơ không được tiêm các loại vaccine thường xuyên do đại dịch có thể làm đảo ngược những tiến bộ mà tiêm chủng mở rộng đã đạt được trong hai thập kỷ qua.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, hiện là thời điểm để việc tiêm chủng thiết yếu trở lại đúng hướng và khởi động lại các chiến dịch tiêm chủng, qua đó mọi người dân đều có thể tiếp cận với những loại vaccine cứu mạng này: “Đại dịch Covid-19 đã gây tổn hại sâu sắc đến nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những khu vực có nguy cơ cao, dễ bị tổn thương hơn bởi những căn bệnh chết người như bại liệt, sởi và viêm phổi. Và thực tế là chúng ta đang chứng kiến những căn bệnh này đang bùng phát trở lại. Chúng ta cần nhanh chóng hành động để lật ngược tình thế và đảm bảo để không đứa trẻ nào trên thế giới bị bỏ lại phía sau.”

Để hỗ trợ sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 và để phòng chống các đại dịch trong tương lai, UNICEF, Gavi và các đối tác khác đã khởi động Chương trình Tiêm chủng 2030 (IA2030) - một chiến lược toàn cầu mới với kỳ vọng tối đa hóa tác động của vaccine thông qua các hệ thống tiêm chủng mạnh mẽ hơn. Theo WHO, nếu được thực hiện đầy đủ, chương trình sẽ giúp ngăn chặn khoảng 50 triệu ca tử vong, 75% trong số này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Nhằm mục đích nhấn mạnh hành động cần thiết của tập thể và thúc đẩy việc sử dụng vaccine để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật, Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới đang được phát động rộng rãi trong tuần cuối cùng của tháng 4 này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện làm việc với các quốc gia trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của vaccine. Đồng thời đảm bảo về hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho những quốc gia này để thực hiện các chương trình tiêm chủng chất lượng cao. Mục tiêu cuối cùng là để nhiều người và cả cộng đồng được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine./.

 Phương Anh/VOV

Chia sẻ bài viết