Đường giao thông nông thôn xã Phước Lại được tráng bêtông rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân đi lại
Đổi thay trên đất anh hùng
Phước Lại là một trong những xã thuộc vùng hạ của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, rạch chằng chịt. Đất Phước Lại trước đây phần lớn là sình lầy. Ven những bờ sông, rạch, dừa nước và cây hoang dại mọc um tùm, tạo thành địa hình thuận lợi trong chiến tranh du kích. Với địa thế đó, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phước Lại trở thành vùng căn cứ lõm quan trọng của huyện Cần Giuộc.
Ở vị trí án ngữ phía Đông, cửa ngõ đi xuống vùng hạ Cần Giuộc, Phước Lại là địa phương đi đầu trong việc vận động phong trào cách mạng của huyện. Theo lời kể của cựu chiến binh Lê Văn Bảy (ấp Phước Thới) tuy là địa bàn luôn bị địch càn quét ác liệt, đóng chốt, kiểm soát chặt chẽ với hệ thống đồn, bót dày đặc nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân - dân Phước Lại đã kiên cường bám trụ, chiến đấu lâu dài, liên tục với kẻ thù cho đến ngày toàn thắng.
Chiến tranh đi qua, ruộng vườn, nhà cửa của người dân bị tàn phá nặng nề, đường sá đi lại khó khăn. Đất đai bị nhiễm mặn quanh năm, chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/ năm. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng với truyền thống anh dũng, bất khuất, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây chung sức, đồng lòng xây dựng lại tất cả, tạo nên diện mạo mới cho xã anh hùng. Tháng 4-2021, Phước Lại vinh dự đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Có dịp về Phước Lại, chúng tôi nhận thấy bộ mặt địa phương có nhiều đổi thay so với trước. Nhiều tuyến đường trục ấp, đường dẫn về các xóm được tráng bêtông rộng rãi, sạch, đẹp. Hai bên đường, cây xanh và hoa ngày càng nhiều. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Công Danh cho biết, trên địa bàn xã chỉ còn 20 hộ nghèo, chiếm 0,58%. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt gần 52 triệu đồng.
Nhìn sự đổi mới của xã, ông Lê Văn Bảy vui mừng nói: “Cũng nhờ xây dựng NTM mà bộ mặt nông thôn Phước Lại mới thay đổi như bây giờ. Phát huy truyền thống trong kháng chiến, người dân nơi đây luôn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Từ hiến đất, góp tiền, ngày công để mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp, thực hiện mô hình Ánh sáng an ninh,... tất cả đều có sự góp sức của người dân”.
Chung sức xây dựng quê hương
Xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh trước đây là 1 trong 5 xã thuộc vùng 4 Kiến Tường. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tân Hòa là một trong những nơi triệu tập phong trào chống xâm lược, vừa là căn cứ bảo vệ các cơ quan cấp xứ, cấp khu và tỉnh, huyện bạn. Do địa bàn chiến lược cũng là trục giao thông huyết mạch nên địch ra sức xây dựng đồn, bót để tăng cường đánh phá và càn quét liên tục hòng tiêu diệt lực lượng của ta, giữ an toàn cho chi khu của chúng.
Trong 21 năm đánh Mỹ, Tân Hòa là hành lang chiến lược quan trọng, sát một quận lỵ của kẻ thù, một xã bị giặc lấy làm thí điểm tố cộng, diệt cộng và bình định trắng. Dù chịu bao đau thương, mất mát, người dân nơi đây vẫn anh dũng bám đất, giữ làng “một tấc không đi, một li không rời”, kiên cường đấu tranh chống quân xâm lược. Với những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến, xã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tân Hòa nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng lại quê hương. Diện mạo xã anh hùng bây giờ có nhiều đổi mới. Điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư xây dựng khang trang hơn. Hiện tại, 100% hộ dân trong xã sử dụng điện thường xuyên, an toàn; trên 88% hộ dân có nước sạch để sử dụng.
Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tây Bắc - Nguyễn Thị Nước bộc bạch: “Những năm đầu sau giải phóng, nơi đây đâu có cầu giao thông hay đường bộ, người dân phải đi lại bằng ghe, xuồng. Học sinh muốn đến trường phải đi rất xa, vào mùa mưa lại càng vất vả. Việc sản xuất cũng không thuận lợi do đất nhiễm phèn nặng. Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống người dân có những bước tiến rõ rệt”.
Xã Tân Hòa đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 4/2021 (Ảnh tư liệu)
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa - Huỳnh Thanh Long, cùng với vận động xây dựng các công trình phục vụ phát triển sản xuất, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các cơ sở kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cửa hàng xăng dầu, hợp tác xã may gia công,... tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Toàn xã hiện chỉ còn 32 hộ nghèo theo đa chiều, chiếm 1,6%.
Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương cùng nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, những vùng kháng chiến được khoác lên mình “chiếc áo mới”, không ngừng phát triển đi lên, tô thắm thêm truyền thống anh hùng./.
Kỳ Nam