Tiếng Việt | English

03/11/2015 - 16:14

Vùng hạ: An toàn trên những chuyến đò ngang

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) tại những bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Long An được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Đến nay, về cơ bản các bến bảo đảm các yêu cầu theo quy định; tuy nhiên vẫn còn một vài hạng mục về kết cấu hạ tầng bến bãi, biện pháp bảo đảm ATGT khi qua đò vẫn còn bỏ ngỏ.


Bến đò ngang có chở ôtô phải được cấp phép và bảo đảm đúng tiêu chuẩn theo quy định

Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có hàng trăm bến khách ngang sông (còn gọi bến đò ngang, bến phà). Các bến này tập trung dọc theo các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ, Soài Rạp, Kinh Nước Mặn. Tại đa số các bến đò ngang vùng hạ đều đã có đường dẫn lên xuống được bêtông, có cột phích để neo đò, phà khi nước ròng, bảng nội quy và bảng niêm yết giá qua đò, phà theo từng thời điểm.

Tại các bến lớn, khách qua lại 24/24 giờ đã có đèn chiếu sáng và số điện thoại để khách liên hệ khi cần. Một số bến có nhà chờ theo quy định nhưng đa số là không xây nhà chờ vì thiếu đất. Mặt khác, đường vào các bến phà, đò luôn có hàng quán để khách ghé trú tạm nên nhà chờ không cần thiết lắm.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khách qua đò hầu như không mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ cứu sinh. Các chủ đò chỉ nhắc nhở khách chấp hành khi có cơ quan chức năng đến giám sát.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành giáp ranh với huyện Tân Trụ và huyện Cần Đước có 6 bến liên huyện: Bến Kỳ Son, Bình Tịnh, Tham Nhiên, Phú Tây B, Bình An và Bình Thới 2, trong đó, huyện Châu Thành quản lý bến Tham Nhiên (đối lưu) và bến Bình Thới 2. Huyện Tân Trụ quản lý các bến: Kỳ Son, Bình Tịnh, Phú Tây B, Bình An và Tham Nhiên (đối lưu).

Ngoài ra, trên sông Vàm Cỏ có 1 bến phà Bà Nhờ do huyện Cần Đước quản lý. Trên sông Rạch Lá có 3 bến, các địa phương giáp ranh 2 tỉnh Tiền Giang-Long An đồng quản lý như: Bến Thanh Vĩnh Đông (huyện Châu Thành - huyện Gò Công Tây), bến Thanh Bình 2 (Châu Thành - Gò Công Tây), bến Cột Đèn Đỏ (Châu Thành - thị xã Gò Công). Tổng cộng có 10 bến, trong đó, liên huyện 7 bến và liên tỉnh 3 bến.

Để bảo đảm ATGT cho bến khách ngang sông, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT) huyện Châu Thành phối hợp Công an huyện, Thanh tra Giao thông Vận tải và UBND các xã có bến đò, trực tiếp đi kiểm tra 10/10 bến trước mùa mưa lũ. Kết quả, chỉ có 7 bến bảo đảm đầy đủ các thủ tục giấy tờ theo quy định và trang bị áo phao, dụng cụ nổi cầm tay, phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. 3 trường hợp vi phạm với lỗi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, không mang theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.


Khách qua đò không ai mặc áo phao

Tại một số bến, tình trạng phà chở ôtô vẫn xảy ra mặc dù chưa được cấp phép. Bến phà Phú Ngãi Trị có khá đông các loại xe qua lại nên chủ bến đã chủ động xin giấy phép cho phà chở ôtô. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong khi chờ được cấp phép thì các loại ôtô tải, ôtô du lịch vẫn thản nhiên qua phà Bình Tịnh. Mặc dù đây là một bến lớn nhưng hai bên vẫn chưa có nhà chờ đạt chuẩn theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Long An - Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: "Để bảo đảm ATGT đường thủy nội địa thì các đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là bà con hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy và bến khách ngang sông phải chấp hành nghiêm các quy định Luật Giao thông Đường thủy nội địa và các quy định ATGT khi qua đò, phà. Đồng thời, tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu và tự giác chấp hành”./.

Mức giá qua đò được quy định buổi sáng từ 5 giờ đến 17 giờ, chủ phà thu 2.500đ/người/xe môtô/lượt, buổi tối 18 giờ đến 19 giờ, giá tăng lên 7.000đ/người-xe/lượt; đặc biệt, quá 19 giờ, giá thỏa thuận nếu khách có nhu cầu qua phà, có số điện thoại để khách liên hệ. Tuy nhiên, tại một số bến nhỏ thì giá cả có khi được chủ đò thu theo lượng khách, đặc biệt vào thời điểm đò nghỉ thì "qua sông vẫn phải lụy đò".

Hải Đăng

 

 

Chia sẻ bài viết