Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 09:13

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Vun đắp hạnh phúc gia đình

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, nhiều gia đình (GĐ) không quên vun vén, xây dựng hạnh phúc và tích cực tham gia công tác xã hội. Những GĐ ấy xứng đáng là gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu, là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.


Vợ chồng ông Trần Văn Toàn, ngụ ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành luôn hạnh phúc, vui vẻ bên các thành viên trong gia đình

Chăm lo đời sống kinh tế

Nhìn ngôi nhà khang trang, rộng rãi, không ai nghĩ, GĐ ông Nguyễn Đức Thành, 66 tuổi, ngụ ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An từng trải qua những tháng ngày chật vật, khó khăn. Ông Thành kể, cưới vợ năm 1970, 2 năm sau, vợ chồng ông từ quê hương Lạc Tấn về Quê Mỹ Thạnh lập nghiệp. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, không ruộng đất canh tác, vợ chồng ông chí thú làm ăn với mong muốn cải thiện kinh tế GĐ, nuôi dạy 5 người con nên người.

“Hồi đó, nhà thiếu trước, hụt sau, ai thuê gì làm nấy, không ngại cực khổ. Vừa lao động, vừa nuôi con nhỏ, nhờ đồng lòng, tích góp nên vợ chồng tôi mua đất làm ruộng và hiện nay được 1,2ha trồng lúa, xen canh dừa dứa. Ngoài ra, chúng tôi nuôi thêm gà, vịt nên cuộc sống khá hơn và có được cơ ngơi như ngày hôm nay” - ông Thành nói.

Cũng không ngại khó như GĐ ông Thành, nhiều GĐ nông dân văn hóa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng đạt cao, góp phần ổn định đời sống kinh tế. GĐ ông Lê Đông Phương, ngụ ấp Long Bình, xã Long Trì, huyện Châu Thành là một trường hợp như thế! Ngày xuất ngũ trở về nhà, vì là con út, ông Phương được cha mẹ cho 6.000m2 đất sản xuất nông nghiệp. Trồng lúa không hiệu quả, ông chuyển đổi trồng thanh long vào năm 1977. Theo ông Phương, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật do ngành Khuyến nông hướng dẫn và thanh long được giá nên GĐ có thu nhập ổn định. Hàng năm, thu nhập trung bình từ 6.000m2 đất trồng thanh long được hơn 300 triệu đồng. Từ khi kinh tế GĐ khá giả, ông mua 1 chiếc sà lan chở thuê và mỗi năm kiếm thêm thu nhập gần 700 triệu đồng.

Ở những GĐVH tiêu biểu luôn có tinh thần cần cù lao động. Cuộc sống tuy ổn định nhưng họ không ngơi nghỉ, cố gắng lao động, sản xuất để chăm lo phát triển kinh tế và có điều kiện tham gia những việc có ích cho đời.


Dù sống xa nhà nhưng mỗi lần có đám, tiệc và lễ, tết, các con, cháu của ông bà Nguyễn Đức Thành đều về đông đủ vui cùng ông, bà

Tích cực tham gia công tác xã hội

Xác định xây dựng GĐVH, ngoài cuộc sống ấm no của cá nhân còn mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, GĐ ông Nguyễn Văn Cưng, 47 tuổi, ngụ ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hàng năm, GĐ ông hỗ trợ kinh phí, phối hợp địa phương tổ chức các chương trình hội thảo hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cho hơn 50 người dân với tổng số tiền trên 50 triệu đồng.

“Khi xã vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, GĐ tôi hiến 200m2 đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn ấp Cầu Xây và ủng hộ hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao. Những việc GĐ tôi làm, xuất phát từ mong muốn được góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương” - ông Cưng cho biết.

Hay ông Nguyễn Văn Lắm, ngụ ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa cùng các thành viên trong GĐ sẵn sàng góp trên 200 triệu đồng cùng người dân thi công, tu sửa các tuyến giao thông nông thôn các ấp: Lộc Bình, Lộc Thạnh, Lộc Hòa,... Thấy địa phương mình chưa có nơi sinh hoạt, ông góp 10 triệu đồng xây dựng Nhà Văn hóa ấp Lộc An và góp thêm 50m2 đất làm sân để người dân có nơi sinh hoạt rộng rãi, sạch sẽ.

Theo ông Lắm: “Những phong trào do địa phương phát động đều phục vụ lợi ích của dân, do vậy, mỗi GĐ nên chung tay thực hiện. Ngoài làm đường, nhằm góp phần phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã hiệu quả, GĐ tôi góp 10 triệu đồng lắp 4 camera an ninh phục vụ công tác giám sát do Công an xã vận động”.

Còn ông Nguyễn Văn Liêu, ngụ ấp Trà Cú, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, gia đình kinh doanh vật tư nông nghiệp, ông giúp đỡ nông dân bằng cách bán phân bón khi đến mùa thu hoạch mới lấy tiền (không tính lãi). Ngoài ra, ông tận tình chia sẻ cách bón phân, áp dụng khoa học - kỹ thuật để người dân sản xuất đạt năng suất cao.
Khi thu hoạch, ông thu mua lúa của người dân theo giá thị trường để giảm bớt gánh nặng về đầu ra nông sản. Nhờ vậy, có 8 hộ sau khi được ông hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất tiến bộ hơn và dần cải thiện đời sống.

Dù không đáng là bao nhưng đó là tấm lòng, sự sẻ chia của những GĐVH tiêu biểu đối với địa phương.

"Năm 2017, toàn tỉnh có 97 GĐVH tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương vào ngày 28-6-2017. Đó là những gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham các phong trào thi đua ở địa phương và luôn hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; đồng thời, biết tổ chức sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập,... đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả,..."

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Minh Hiếu

Vun đắp hạnh phúc gia đình

Có cuộc sống ổn định, nhiệt tình với công tác xã hội vẫn chưa làm nên một GĐVH mà ở những mái nhà ấy còn có sự yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên. Vì vậy, dù làm gì, ở đâu, họ vẫn không quên vun bồi hạnh phúc GĐ.


Nhờ chí thú lao động, sản xuất, nhiều gia đình văn hóa vươn lên ổn định cuộc sống (Trong ảnh: Gia đình ông Trần Văn Toàn, ngụ ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành cùng chăm sóc vườn thanh long)

“Mẹ tụi nhỏ ngồi xuống uống nước nè!”, từ xưng hô của ông Nguyễn Đức Thành khi gọi vợ, tuy đơn giản nhưng thân thương và ấm áp. “Từ trước đến giờ, 2 vợ chồng tôi vẫn gọi nhau như thế để các con noi theo”, lời nói ông Thành cũng là lời chia sẻ về “bí quyết” xây dựng GĐVH. Đó là sự nêu gương của những người làm cha, làm mẹ trong GĐ.

Theo ông Thành, nghe cha mẹ nói năng nhẹ nhàng và luôn quan tâm, chia sẻ nhau mọi việc trong cuộc sống nên 5 người con cũng vậy. Dù có GĐ riêng, mỗi người làm việc một nơi nhưng luôn hiếu thảo với cha mẹ. “Bây giờ, trong nhà chỉ có 2 vợ chồng già, đến cuối tuần hay có đám tiệc, lễ, tết thì con, cháu mới về đông đủ nhưng không vì thế mà chúng tôi buồn. Ngược lại, 2 vợ chồng chăm sóc nhau để các con an tâm làm việc, chỉ cần con có đời sống tốt, GĐ hòa thuận là chúng tôi vui. Tụi nhỏ tuy sống xa cha mẹ nhưng vẫn nhớ lời dạy để xây dựng hạnh phúc GĐ nhỏ của mình. 7 đứa cháu nội, ngoại vì thế đều ngoan và lễ phép” - ông Thành chia sẻ.

Hỏi về cách dạy con, ông Thành cười, chỉ tay vào bức tường có những dòng chữ “Gia đình hạnh phúc” rồi nói: “Tụi nhỏ cứ ghi nhớ những dòng chữ tôi dán lên tường này để vun đắp cuộc sống GĐ. Từ nhỏ, vợ chồng tôi dạy các con chuyện lễ, nghĩa để giữ nếp nhà. Đặc biệt, tôi và mẹ tụi nhỏ hay nhắc các con phải biết tu thân, giữ phẩm chất đạo đức và sống có ích. Mỗi năm khi tết đến, các con tôi - mỗi đứa mua ít quà về cho mẹ tặng những GĐ khó khăn trong xã. Thấy các con như vậy, vợ chồng tôi rất mừng! Bao nhọc nhằn, cực khổ ngày nào coi như được đền đáp!”.

Nhiều người vẫn nói: “Kinh tế GĐ khó khăn, vợ chồng hay cãi vã”. Nhưng, với GĐ ông Trần Văn Toàn, ngụ ấp 3, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành lại khác. Những năm đầu sau ngày cưới, con còn nhỏ, cuộc sống nghèo khó, chật vật nhưng vợ chồng ông không để xảy ra mâu thuẫn. Ngoài canh tác 0,5ha đất lúa, vợ chồng ông làm thuê, làm mướn, đồng lòng nuôi dạy 2 con. Bây giờ, đất trồng lúa chuyển sang trồng thanh long với thu nhập hàng năm trên 250 triệu đồng. Cuộc sống gia đình khá hơn và tiếng cười, hạnh phúc cũng ngày càng lan tỏa. Và, hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng ông là con trai lớn khôn, là sĩ quan quân đội và lập GĐ. Con gái út học lớp 12 cũng là trò ngoan, chăm học,...

Chị Võ Thị Mỹ Duyên - con dâu ông Toàn, bộc bạch: “Về làm dâu, sống chung ba mẹ hơn 2 năm, chưa bao giờ, tôi nghe ba mẹ cãi nhau. Ba nói mẹ nghe, mẹ nói ba nghe. Ba mẹ luôn tôn trọng và sẻ chia cùng nhau. Sáng, ba mẹ dậy sớm lo việc nhà rồi cùng ra ruộng chăm sóc vườn thanh long. Thấy ba mẹ sống hạnh phúc, vợ chồng tôi cũng noi theo. Dù là dâu nhưng ba mẹ thương tôi như con ruột và ân cần chỉ bảo mọi điều trong cuộc sống”.

GĐVH tiêu biểu với những việc làm có ích cho mình, cho đời là những bông hoa đẹp trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, cơ sở./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết