Tiếng Việt | English

30/07/2015 - 05:52

Vovinam - Cơ hội quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam

Ngày 29/7, võ sư Võ Danh Hải, Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ IV-2015 cho biết giải diễn ra trong 3 ngày từ 30/7 - 1/8 với sự tham dự của 250 quan chức, trọng tài, vận động viên tham gia tranh tài hơn 74 nội dung thi đấu biểu diễn quyền và đối kháng đến từ 20 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Giải sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh của môn phái, của tinh thần Việt qua hình ảnh võ thuật và tinh hoa văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

 

Nội lực của Vovinam ngày càng lớn.

Theo phóng viên TTXVN tại Alger, đoàn Việt Nam tham dự giải lần này bao gồm 22 vận động viên mục tiêu “kép”: Một là khẳng định sức mạnh, tinh hoa của Võ thuật Việt Nam thông qua trình độ của các võ sĩ Việt Nam – quê hương của môn võ này. Hai là thông qua việc tranh tài của giải, các võ sĩ của chúng ta phải quảng bá hình ảnh của môn phái, của tinh thần Việt qua hình ảnh võ thuật.

Các võ sĩ tham dự giải đều có trình độ, đẳng cấp cao, từng đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á cả nội dung quyền và đối tháng trong đó có những tên tuổi: Mai Thị Kim Thùy, Nguyễn Văn Cường, Phạm Thị Bích Phượng, Huỳnh Khắc Nguyên (nhiều năm vô địch thế giới về quyền), Nguyễn Thị Quyền Chân, Nguyễn Thị Kim Hoàng (vô địch thế giới, vô địch SEA Games).

Ông Hải cho biết thêm dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, khoảng cách di chuyển xa, một số quốc gia lo ngại dịch bệnh Ebola, nhưng việc giải đấu danh giá này được tổ chức tại lục địa đen là một tín hiệu đáng mừng cho thấy phong trào Vovinam đã phát triển mạnh không chỉ tại Algeria mà còn cả ở châu Phi.

Một số nước trong khu vực này tham dự giải như Bukina Faso, Maroc, Bờ Biển Ngà và Senegan. Chỉ riêng tại Algeria, đến nay, đã có trên 22.000 môn sinh tham gia tập luyện Vovinam tại 30 trong tổng số 48 tỉnh, thành phố của quốc gia châu Phi này.

Hiện nay, Vovinam đã có mặt tại 12 quốc gia tại châu Phi và đang phát triển rất mạnh sau khi Liên đoàn Vovinam châu Phi được thành lập năm 2012. Về trình độ, hiện nay các nước đều có sự chuẩn bị khá tốt và hoàn toàn không chênh lệch xa.

Về quyền, năm nay thiếu vắng những võ sĩ mạnh của Pháp, Italia, Indonesia nên Việt Nam gần như không có đối thủ ở các nội dung tham gia. Ẩn số của năm nay đặt vào các võ sĩ chủ nhà Algeria với khát khao chiến thắng trên sân nhà và có sự chuẩn bị khá dài hơi trong suốt những năm qua.

Đặc biệt trình độ của chủ nhà tiến bộ nhanh sau các đợt tập huấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Việt Nam như võ sư Nguyễn Văn Chiếu, võ sư Nguyễn Chánh Tứ, võ sư Huỳnh Khắc Nguyên. Về đối kháng, cơ hội chia đều cho các đội. Các đội mạnh về đối kháng vẫn tập trung ở Nga, Iran, Việt Nam và cả Algeria.

Theo võ sư Hải, hiện tại phong trào Vovinam Việt Nam đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu. Từ một môn võ thuật dân tộc, Vovinam đã lan tỏa và quốc tế hóa từ khoảng 40 năm qua và bén rễ ở nhiều vùng đất và được bè bạn quốc tế đón nhận, tập luyện, yêu mến.

Không chỉ vậy, Vovinam còn được khẳng định như là một môn thể thao quốc tế khi có mặt ở các cuộc tranh tài thể thao Olympic châu lục như ASIAN Indoor Games III năm 2009, SEA Games 26 (Indonesia), 27 (Myanmar) và sắp tới đây là ASIAN Beach Games 15 (năm 2016) tại Việt Nam.

Võ sư Hải cho rằng để Vovinam lan tỏa và phát triển hơn nữa, chúng ta cần có một kế hoạch dài hơi, đúng tầm vóc như là một chiến lược quảng bá văn hóa Việt theo cách mà các quốc gia: Hàn Quốc đã làm với Taekwondo, Thái Lan làm với Muay, Nhật Bản làm với Judo, Trung Quốc làm với Wushu…

Để làm được như vậy, cần sự chung tay của cả 2 ngành: Ngoại giao và Văn hóa, Thể thao để xây dựng một đề án quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt thông qua quảng bá môn võ thuật dân tộc này. Điều may mắn là Vovinam đã bén rễn ở khắp năm châu và số lượng môn sinh đã gần chạm mức 1 triệu.

Về nội lực, chúng ta cũng cần xây dựng đội ngũ võ sư, HLV có trình độ chuyên môn cao đáp ứng công tác phát triển quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần sớm xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giỏi sẵn sàng đi “nằm vùng” huấn luyện dài hạn ở nước ngoài. Việc xây dựng Trung tâm huấn luyện Vovinam quốc tế theo mô hình học viện võ thuật như Kukkiwon (Taekwondo) hay Kodoka (Judo)… để đào tại HLV, võ sư chuyên nghiệp cũng là điều cần sớm thực hiện.

Trong khuôn khổ giải Vô địch Vovinam Thế giới lần IV này, các đại biểu tham dự sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cọ xát thi đấu, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết hữu nghị, thân ái của đại gia đình Vovinam, không kể quốc tịch, sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ.

Ngoài ra, các đại diện lãnh đạo phong trào Vovinam quốc tế cũng sẽ tham dự Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) năm 2015, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đã thực hiện trong thời gian qua và thảo luận phương hướng phát triển của Vovinam trên thế giới.

Đồng thời, các cán bộ kĩ thuật, trọng tài và huấn luyện viên cũng sẽ tham gia khóa tập huấn kĩ thuật quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và thi đấu của môn Vovinam, với quy chuẩn hiện đại hóa và thống nhất trên toàn thế giới.

Dự kiến, tối ngày 30/7 sau lễ khai mạc, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria sẽ tổ chức chiêu đãi các quan khách và trưởng đoàn các nước tham dự giải đấu này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết