Tiếng Việt | English

30/06/2024 - 09:31

Vốn vay ưu đãi tiếp sức người nghèo vươn lên

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo về nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Qua đó, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư vào sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân

Để người dân biết đến nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thủ Thừa phối hợp các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội của huyện tập trung triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và các mặt hoạt động khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm,... tại địa phương.

Các hộ nghèo, cận nghèo được địa phương quan tâm, hỗ trợ, đặc biệt là cung cấp thông tin về giảm nghèo để phấn đấu, vươn lên thoát nghèo

Qua các hoạt động tuyên truyền tại địa phương, nhất là của 4 đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), người dân nắm kỹ hơn về thông tin cho vay vốn của Ngân hàng CSXH.

Với hộ nghèo, điều kiện vay vốn là cư trú hợp pháp tại địa phương, có tên trong danh sách hộ nghèo, là thành viên của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Hộ vay không cần phải thế chấp tài sản, được miễn phí thủ tục vay vốn và người đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn phải chịu trách nhiệm trong quan hệ vay vốn và trả nợ ngân hàng. Vốn vay sử dụng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng với lãi suất hiện nay là 6,6%/năm, tương đương 0,55%/tháng với thời hạn cho vay tối đa 120 tháng.

Riêng với hộ cận nghèo, điều kiện vay vốn tương tự hộ nghèo như cư trú hợp pháp tại địa phương, có tên trong danh sách hộ cận nghèo,... và không phải thế chấp tài sản cũng như được miễn phí khi làm thủ tục vay vốn. Mức cho vay của hộ cận nghèo cũng là 100 triệu đồng với thời hạn cho vay tối đa 120 tháng, lãi suất hiện nay là 7,92%/năm, tương đương 0,66%/tháng.

Ngoài ra, các hộ mới thoát nghèo (tính thời gian từ khi hộ nghèo, cận nghèo được đưa ra khỏi danh sách nhưng tối đa là 3 năm) cũng được vay vốn mức tối đa 100 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 60 tháng với lãi suất 8,25%/năm, tương đương 0,6875%/tháng.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết: “Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp chặt chẽ với đoàn thể địa phương kịp thời thông tin, tuyên truyền về những nội dung mới liên quan chương trình cho vay để người dân nắm rõ. Hồ sơ vay vốn sau khi tiếp nhận được xử lý và thông báo kết quả sau 3 ngày làm việc; đồng thời, giải ngân lần lượt tại UBND các xã, thị trấn vào ngày giao dịch cố định hàng tháng. Đối với các trường hợp hộ vay gặp rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đơn vị sẽ phối hợp lập hồ sơ trình để xử lý, kịp thời giải quyết khó khăn cho người dân. Nhìn chung, đa số các hộ đều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống sau khi có nguồn vốn vay”.

Trong quá trình cho vay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủ Thừa kiểm tra nguồn vốn vay để giúp người dân sử dụng hiệu quả

Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 410 tỉ đồng với gần 10.000 hộ gia đình còn đang dư nợ thuộc 13 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo là 5,7 tỉ đồng với gần 180 hộ gia đình còn đang dư nợ; dư nợ cho vay hộ cận nghèo 27,3 tỉ đồng với gần 700 hộ gia đình còn đang dư nợ; dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo 72,2 tỉ đồng với gần 1.800 hộ gia đình còn đang dư nợ.

Dần ổn định cuộc sống

Là mẹ đơn thân, sống cùng con trai trong căn nhà nhỏ, chật hẹp, mỗi ngày, chị Trần Thị Mỹ Trang (SN 1970, ngụ khu phố 1, thị trấn Thủ Thừa) đều cố gắng làm việc để vươn lên nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, chị Trang thoát hộ nghèo vào năm 2022, hiện còn thuộc diện hộ cận nghèo. Chị Trang tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng CSXH với số tiền 80 triệu đồng trong 5 năm vào đầu năm 2024 để sản xuất nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát hộ cận nghèo.

Chị Trang chia sẻ: “Từ khi biết đến nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, tôi mạnh dạn làm thủ tục vay để có thêm vốn chăn nuôi. Lúc đầu, tôi vay ở mức thấp với số tiền 20 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn đó, tôi có thêm điều kiện sản xuất và có động lực để cố gắng nên thoát hộ nghèo. Hiện mong muốn lớn nhất của tôi là thoát hộ cận nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Do vậy, tôi mạnh dạn tiếp tục vay mức 80 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để sản xuất nông nghiệp”.

Từ nguồn vốn vay 80 triệu đồng, chị Trang thuê 1ha đất của người thân với số tiền 60 triệu đồng trong 5 năm để trồng lúa. Nhờ sự hướng dẫn của người quen và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước cũng như thường xuyên thăm ruộng để kịp thời phòng trừ sâu, bệnh gây hại, chị Trang không gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

“Tôi dự định, thu hoạch vụ lúa đợt này sẽ tu bổ lại căn nhà. Sau đó, tôi tiếp tục tích lũy vốn để đầu tư cho vụ lúa kế tiếp” - chị Trang trải lòng.

Ngoài làm ruộng, chị Trang còn nhận nấu cơm phần, dọn vệ sinh cho các cơ quan và trực bảo vệ vào ban đêm cho một đơn vị. Chị Trang nói: “Làm nhiều việc nên rất vất vả nhưng tôi không nản lòng mà quyết tâm vươn lên để mẹ con có cuộc sống ổn định hơn”.

Biết đến nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, chị Nguyễn Thị Kim Tâm (SN 1980, ngụ khu phố 2, thị trấn Thủ Thừa) làm thủ tục vay 50 triệu đồng để sản xuất nông nghiệp, vươn lên thoát hộ nghèo.

Gia đình có 4 người, trong đó có 2 người cậu lớn tuổi và con trai nhưng thu nhập không ổn định, chị Tâm một mình gồng gánh nuôi gia đình. Mỗi ngày, chị bán bánh dạo tại khu công nghiệp và các tuyến đường từ huyện Thủ Thừa đến TP.Tân An. Công việc vất vả nhưng chị Tâm luôn cố gắng vì trách nhiệm với gia đình.

Chị Tâm chia sẻ: “2 cậu của tôi lớn tuổi, trong đó 1 cậu sức khỏe yếu, cần có người chăm sóc. Mỗi ngày, tôi dậy từ 4 giờ để lo bữa sáng cho các cậu rồi lấy bánh đi bán. Có hôm bán ế, đầu giờ chiều mới về đến nhà”.

Thu nhập chính chỉ từ việc buôn bán bánh, lại phải gánh gồng nuôi người thân nên chị Tâm chỉ có thể “chạy cơm từng bữa”, không thể nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ có đất của người thân, chị quyết định vay vốn để sản xuất nông nghiệp, cải thiện cuộc sống hiện tại.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủ Thừa kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ở xã Mỹ Phú

Ngoài ra, chị Tâm còn nhận dọn vệ sinh cho các gia đình trong thị trấn, thu mua ve chai trong thời gian rảnh để có thêm nguồn thu nhập, chăm lo tốt hơn cho gia đình.

“Từ khi vay vốn của Ngân hàng CSXH, tôi có thêm động lực để làm việc. Tôi quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này để vươn lên trong cuộc sống” - chị Tâm thổ lộ.

 

Vượt khó phát triển kinh tế 

Để kinh tế gia đình phát triển hơn, ngoài tập trung sản xuất, năm 2010, vợ chồng bà Ai còn mạnh dạn nuôi 3.000 con vịt đẻ trứng.

Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp sức để sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết