Tiếng Việt | English

04/04/2019 - 20:15

Với tôi, hạnh phúc là...

Minh họa: Hữu Phương

Với phần lớn phụ nữ, hạnh phúc là khi có gia đình vẹn tròn, các con chăm ngoan, học giỏi, vợ chồng chia sẻ công việc với nhau nhưng với bà Nguyễn Thị Liên - cán bộ về hưu ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, thì hạnh phúc là khi được cận kề, chăm sóc, lo cho con, cháu từng bữa ăn, giấc ngủ.

Bà chia sẻ: “Ai cũng mong muốn có gia đình hoàn hảo, các con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ nhưng với những gia đình không trọn vẹn thì mỗi người cần cân bằng cuộc sống và lấy những niềm vui khác làm hạnh phúc. Tôi và ông xã chia tay nhau gần 30 năm, lúc đó, con gái chúng tôi chỉ mới vào lớp 1. Sau một thời gian hụt hẫng, tôi thấy mình phải mạnh mẽ và sống vui vẻ hơn. Không mãi chìm đắm trong nỗi buồn và sự cô đơn, tôi lấy con làm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Gần 30 năm nay, mẹ con tôi luôn bên nhau cùng chia sẻ những buồn vui. Có lẽ ngày con gái lập gia đình là ngày tôi hạnh phúc nhất. Bất cứ người mẹ nào cũng vậy, chỉ cần con hạnh phúc là mãn nguyện rồi. Giờ gia đình có thêm thành viên mới, hàng ngày, tôi chăm cháu để các con yên tâm làm việc. Tối đến, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng nhau chuyện trò, thỉnh thoảng lại đi du lịch. Với tôi, thế là hạnh phúc lắm rồi!”. 

Cũng có cuộc hôn nhân không trọn vẹn như bà Liên, chị Mỹ Quyên - giáo viên một trường THCS ở TP.Tân An, cũng mạnh dạn chấm dứt khoảng thời gian không hạnh phúc để bắt đầu cuộc sống mới. Ngày đó, là con gái thành thị, chị về dạy học tại huyện Vĩnh Hưng và bén duyên với anh. Cuộc sống hôn nhân những năm đầu tràn đầy hạnh phúc nhưng đến khi chị sinh con thì mọi thứ đổi khác. Anh đâm ra rượu chè, cờ bạc và không ít lần “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với chị. Áp lực của việc chăm con nhỏ lại thêm việc chồng thay đổi tính nết khiến chị càng thêm bế tắc. Sợ cha mẹ hai bên buồn lòng, sợ bạn bè cười chê, chị cố gắng chịu đựng và tìm cách khuyên nhủ nhưng chẳng làm anh thay đổi. Trong 2 năm, chị cứ sống trong đau buồn và trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhiều đêm ôm con khóc, chị chỉ biết trách số phận. Đỉnh điểm là khi anh có nhân tình, chị mạnh dạn chấm dứt cuộc hôn nhân rồi chuyển công tác về TP.Tân An. Khi nhắc về những chuyện đã qua, chị mỉm cười:

“Người mẹ nào cũng muốn cho con mình có một gia đình đầy đủ cha lẫn mẹ nhưng mỗi người một hoàn cảnh, mình không thể thực hiện những điều quá khả năng. Giờ đây, cuộc sống của mẹ con tôi bình yên lắm, sáng đưa con đi học rồi mình cũng đến lớp dạy, chiều về hai mẹ con cùng nấu cơm, ăn cơm, dạy con học. Buổi tối, có khi hai mẹ con cùng đi uống cà phê, xem phim hoặc đi dạo công viên. Thỉnh thoảng, tôi lại đưa con về thăm cha và nội. Tuy cuộc sống gia đình không trọn vẹn nhưng tôi và con lại có cuộc sống bình yên, vui vẻ. Với tôi, như thế là hạnh phúc rồi! Có lẽ nhiều người nghĩ, tôi đã một lần đổ vỡ như “chim sợ cành cong” nhưng không phải vậy, khi tình yêu đến và cảm thấy tình cảm đó làm mình hạnh phúc, tôi sẵn sàng đón nhận. Còn hiện tại, tôi hài lòng với cuộc sống của hai mẹ con”.

Mỗi người có một quan điểm khác nhau về hạnh phúc nhưng tất cả đều hướng đến sự bình yên trong tâm hồn và cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Với chị Ánh Nhi (phường 3, TP.Tân An) thì hạnh phúc là được làm những việc mình thích. Sinh ra và lớn lên tại Cần Giuộc nhưng chị lại chọn TP.Tân An là nơi làm việc. Hơn 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình nên nhiều lần cha mẹ hối thúc. “Lúc trước, tôi sợ những ngày tết, khi về thăm nhà, họ hàng đều hỏi “bao giờ lấy chồng?”. Giờ thì khác rồi, chắc mọi người cũng hiểu. Tôi nghĩ, tất cả đều có duyên số và khi duyên không đến, tôi cũng không cố ép mình, không lấy đó mà buồn. Thật ra, tôi có công việc ổn định, đúng chuyên môn và thu nhập đủ để lo cho bản thân, phụ giúp gia đình, thế là hạnh phúc rồi!”. 

Câu chuyện về hạnh phúc của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu hỏi một học sinh “Hạnh phúc là gì?”, em ấy sẽ trả lời “Là khi em đạt điểm 10, được thầy cô và cha mẹ khen”, câu trả lời của một sinh viên sắp ra trường sẽ là “Tìm được công việc yêu thích, đúng chuyên môn” và anh công nhân thì “Được tăng lương, thưởng, có thêm tiền lo cho gia đình...”.

Hạnh phúc không phải là cái vỏ bọc, càng không phải là thứ trang sức nhưng vẫn còn nhiều gia đình cứ phải hành hạ nhau vì cái hạnh phúc ảo. Tôi từng chứng kiến một gia đình nhìn bên ngoài rất hạnh phúc khi các con chăm ngoan, học giỏi, kinh tế gia đình khá giả nhưng mọi việc vỡ lỡ khi chị vướng vào “tình công sở”, có mối quan hệ bất chính với đồng nghiệp. Người chồng cũng chẳng màng quan tâm mà cứ sống theo kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem” và hành hạ nhau bằng thứ bạo lực tinh thần. Nhiều lần chị muốn chấm dứt mọi thứ để bắt đầu cuộc sống mới nhưng vì sĩ diện nên cả hai đều phải chịu đựng lẫn nhau. Và đây chắc hẳn không phải là trường hợp cá biệt. 

Người ta thường lấy gia đình làm thước đo hạnh phúc, thế nhưng tùy vào từng hoàn cảnh, có những gia đình không trọn vẹn nhưng những người trong cuộc biết cân bằng, vun vén thì hạnh phúc sẽ mỉm cười. Đó có thể không phải là hạnh phúc gia đình mà là niềm hạnh phúc khi được làm những điều mình thích, được sống trong an yên.

Hạnh phúc không ở đâu xa mà xuất phát từ những điều bình dị trong cuộc sống. Thế nên, đừng cố gắng đi tìm hạnh phúc từ những gì xa xôi mà hãy tìm niềm vui từ cuộc sống. Và hạnh phúc sẽ đến với những ai biết yêu thương, chia sẻ./.

Phương Trinh

Chia sẻ bài viết