Tiếng Việt | English

25/08/2023 - 10:00

Vĩnh Hưng: Phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng, lợi thế địa phương

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tập trung chỉ đạo, triển khai, thực hiện quyết liệt và hỗ trợ, tư vấn những kiến thức cần thiết cho các chủ thể sản xuất tham gia chương trình. Từ đó, giá trị sản phẩm được nâng tầm, thị trường tiêu thụ được rộng mở và thu nhập của các chủ thể được nâng cao.

Các sản phẩm OCOP của Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường

Xuất phát từ niềm đam mê làm kinh tế và kinh nghiệm làm 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP khi còn ở huyện Bến Lức, sau khi trở về quê nhà tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, chị Trần Thị Ngọc Lan - chủ Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan, mạnh dạn đầu tư chế biến thực phẩm từ các loại trái cây của địa phương.

Sau một thời gian tìm hiểu và lựa chọn, chị Ngọc Lan quyết định chọn trái cà na để chế biến và đưa ra thị trường. Chị Ngọc Lan chia sẻ: “Cà na là loại cây dễ trồng, làm được nhiều món như cà na ngâm đường, sấy dẻo, đập giập trộn muối ớt,... Vì vậy, tôi quyết định nâng tầm sản vật này thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP”.

Năm 2022, cà na sấy dẻo và ngâm đường của Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Trước đây, cà na được biết đến là loại trái cây theo mùa nên việc chế biến các sản phẩm quanh năm rất khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, một số giống cà na được chăm sóc để cho trái quanh năm nên giải quyết được tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.

“Hiện ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh có nhiều gia đình trồng cà na nên nguồn nguyên liệu để chế biến các món từ ca na rất dễ, chi phí sản xuất lại thấp. Sản phẩm cà na sấy dẻo và ngâm đường phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó, quan trọng nhất là công đoạn ướp cà na. Theo đó, cà na cần ướp cho thấm gia vị, loại bỏ hết vị chua và chát nhưng phải giữ được mùi vị đặc trưng thì mới chinh phục được khách hàng” - chị Ngọc Lan cho biết.

Được biết, hiện nay, Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Nước sốt me xào chua ngọt, tắc xí muội, chanh muối, muối tiêu, muối ớt, cà na sấy dẻo, cà na ngâm đường,... Từ khi các sản phẩm này đạt chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ các sản phẩm không chỉ trong nước mà còn phát triển ra nước ngoài. Điều này càng khẳng định thương hiệu của các sản phẩm đạt chuẩn OCOP dần chiếm lĩnh được các thị trường khó tính.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, ngoài 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là cà na sấy dẻo, cà na ngâm đường của Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan, huyện còn có sản phẩm Gạo ĐTM Lài Tím của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận cũng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Lúa ĐTM Lài Tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao

HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận hiện sản xuất trên 510ha lúa. Trong đó, 50ha sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và khoảng 10ha sản xuất giống lúa ĐTM Lài Tím. Bên cạnh đó, HTX còn phát triển du lịch sinh thái để phát huy tối đa lợi thế sẵn có.

Quản lý Khu vui chơi sinh thái HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Lê Nguyễn Phương Uyên cho biết: “Khu vui chơi là một phần hoạt động của HTX, là nơi để bày bán sản phẩm OCOP như Gạo ĐTM Lài Tím. Thời gian tới, HTX dự định mở rộng diện tích sản xuất lúa ĐTM Lài Tím để phục vụ nhu cầu của thị trường”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Chương trình OCOP đã và đang mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân địa phương. Chương trình cũng góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững và gia tăng giá trị”.

“Huyện Vĩnh Hưng hiện có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, huyện tập trung lựa chọn và đầu tư thêm một số sản phẩm để có sản phẩm đạt chuẩn OCOP tiếp theo. Trong đó, chú trọng phát triển những sản phẩm mang tính truyền thống, thế mạnh của địa phương. Riêng các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP, huyện sẽ phối hợp các chủ thể cố gắng duy trì, phát huy, cải tiến về mẫu mã và chất lượng, từng bước thăng hạng cho sản phẩm” - ông Lê Quốc Bổn thông tin thêm./.

Bùi Tùng - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết