Nông nghiệp khởi sắc
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 18-CTr/HU của Huyện ủy, kinh tế nông nghiệp của huyện Vĩnh Hưng có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản bình quân giai đoạn 2008-2018 đạt 4%/năm, cơ cấu ngành nông nghiệp dịch chuyển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Hàng năm huyện có hơn 57.000ha sản xuất lúa
Huyện thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất. Đến nay, hàng năm, huyện có trên 57.000ha sản xuất lúa (bằng 106,8% so với năm 2008), năng suất bình quân 57,5 tạ/ha/vụ (bằng 106,9% so với năm 2008), sản lượng bình quân đạt 332.000 tấn (bằng 114,6% so với năm 2008), lợi nhuận bình quân 16 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, có hơn 3.000ha tham gia mô hình cánh đồng lớn, lợi nhuận cao hơn 2-3 triệu đồng/ha/vụ so với diện tích ngoài mô hình.
Rau màu các loại có diện tích gần 3.000ha (bằng 173% so với năm 2008), trong đó chủ yếu là dưa hấu, sen, mè, bắp,... Ngoài ra, một số diện tích được người dân chuyển đổi sang trồng cây lâu năm: Mít, xoài, bưởi bước đầu mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng lúa. Chăn nuôi được chú trọng phát triển, nhất là chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế khá, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Song song đó, huyện còn đẩy mạnh xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ hiệu quả ở nông thôn, toàn huyện có 7 hợp tác xã, 106 tổ hợp tác và 13 trang trại, bước đầu có những đóng góp tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Huyện thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh: Xay xát, chế biến lương thực, cơ khí, dịch vụ sản xuất nông nghiệp,...
Kết cấu hạ tầng Kinh tế - xã hội dần hoàn thiện
10 năm qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế,... Tổng kinh phí huy động hơn 2.105 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng, huy động cộng đồng gần 600 tỉ đồng. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn phát triển khá nhanh, nổi bật nhất là các tuyến đường đến trung tâm xã, liên xã, các cụm dân cư trung tâm xã đều được nhựa hóa, các tuyến đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa, bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện quanh năm,... từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Khánh Hưng và Vĩnh Bình, 7 xã còn lại có từ 10-15 tiêu chí đạt chuẩn.
Ngoài 2 xã Khánh Hưng và Vĩnh Bình đạt xã nông thôn mới các xã còn lại 10-15 tiêu chí đạt chuẩn
Ông Đỗ Văn Kiêm, ngụ xã Vĩnh Bình, cho biết: Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nay đã thay đổi rất nhiều. Điện, đường, trường, trạm,... được đầu tư xây dựng khang trang, chính quyền địa phương hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ đó hạ chi phí sản xuất, tăng năng suất, đời sống người dân ngày càng nâng lên.
Ngoài việc tập trung nâng cấp kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề nông thôn cũng được huyện quan tâm, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân. Ước đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu đồng/năm (tăng 2,5 lần so với 2008). Tỷ lệ hộ nghèo 8,22% vào năm 2009, giảm còn 6,21% năm 2017, dự kiến đến cuối 2018 giảm còn 3%. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao từng bước nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho người dân.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả
Bên cạnh những kết quả trên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26 trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng vẫn còn những hạn chế: Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao, thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, tình trạng được mùa - rớt giá còn diễn ra. Các mô hình cánh đồng lớn mặc dù mang lại hiệu quả nhưng chưa đủ sức thu hút và tính liên kết chưa thật sự bền vững. Quy mô vốn, doanh thu, lợi nhuận của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp.
Ngành nghề nông thôn tuy có phát triển nhưng tốc độ còn chậm, chưa phát triển ngành nghề mới. Thu nhập ở nông thôn tuy có tăng nhưng còn ở mức thấp, khoảng cách giữa thành thị - nông thôn còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng còn ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Việc huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư của Nhà nước còn thấp so với yêu cầu, vốn huy động trong dân còn hạn chế, vốn hỗ trợ từ doanh nghiệp không nhiều. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn có nơi, có lúc chưa bảo đảm, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra, một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để,...
Các tuyến đường về trung tâm các xã được đầu tư nhựa hóa
Bí thư huyện ủy Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, biên giới, tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân bằng nhiều hình thức. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao. Xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa nông thôn.
Để thực hiện các mục tiêu này, các cấp, các ngành, địa phương của huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của Nghị quyết số 26. Tập trung triển khai thực hiện thành công tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để hiện đại hóa nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ở khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động; tiếp tục quan tâm đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là các vùng khó khăn, chủ động nắm chắc tình hình để có giải pháp giữ vững an ninh, trật tự nông thôn. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết./.
Vĩnh Hưng phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân đạt 4%/năm, có ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/năm, 100% xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trên 90%, phấn đấu đưa xã Khánh Hưng và Thái Bình Trung trở thành đô thị loại V,... |
Văn Đát