Tiếng Việt | English

13/12/2022 - 08:03

Vĩnh biệt người lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

Sống, chiến đấu, cống hiến hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Văn Chiểu luôn là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Những chiến công lẫy lừng

AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu sinh năm 1930, quê xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Trước cảnh quê hương lầm than, quân thù giày xéo, năm 16 tuổi, ông quyết lòng tham gia cách mạng với vai trò là liên lạc hành chánh, du kích xã. Từ năm 20 tuổi, ông chính thức trực tiếp chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Được rèn luyện, trưởng thành từ môi trường quân đội, AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu lập nhiều chiến công anh dũng. Đặc biệt, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đều nhớ đến ông là người Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của “Tiểu đoàn 3 lần anh hùng” - Tiểu đoàn Bộ binh 1 Long An với truyền thống đáng tự hào “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó”.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh Long An thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Chiểu lúc sinh thời

Tiểu đoàn 1 Long An (tiền thân là Đại đội 1 cơ động) thành lập ngày 17/6/1960. Khi mới thành lập, đơn vị có gần 100 người, chủ yếu là cán bộ, đảng viên và những người yêu nước còn lại ở địa bàn Tân An, Chợ Lớn, sau khi phần lớn lực lượng vũ trang ta chuyển quân tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Những chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy bám địa bàn, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, chống lại chính sách “tố cộng diệt cộng” của Mỹ - Diệm, sau đó thành lập các đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh với các phiên hiệu: Tiểu đoàn 506, Tiểu đoàn 508. Đơn vị ra đời là sự kết tinh từ Tiểu đoàn 506, Tiểu đoàn 508 với những cán bộ chỉ huy chủ chốt là đồng chí Tư Chiểu, Tư Ấp (Nguyễn Văn Ấp), Mười Xưởng (Trương Công Xưởng).

Tên tuổi của AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu gắn liền với Tiểu đoàn 1 rạng danh với nhiều trận đánh, nổi bật là trận Hiệp Hòa, đồn Đức Lập,... Trong đó, thắng lợi của trận Hiệp Hòa có ý nghĩa rất lớn với nhiệm vụ phá ấp chiến lược của Long An. Đây là trận đánh mở đầu cho việc thực hiện nghị quyết quyết tâm phá ấp chiến lược của Tỉnh ủy. Năm 1963, ông là 1 trong 3 cán bộ trực tiếp chỉ huy 3 mũi đánh vào Trại biệt kích Hiệp Hòa, khi vừa tròn 33 tuổi.

Nối tiếp những chiến thắng vẻ vang ấy, Tiểu đoàn 1 tiếp tục ghi dấu ấn với 3 lần đánh đồn Đức Lập vào tháng 9, 10 và 11/1965. Với 3 trận thắng liên tiếp này, ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.890 tên địch, thu rất nhiều vũ khí. Đây là một chiến công nổi bật khi đánh quỵ Sư đoàn 25 ngụy, diệt Biệt động quân thuộc lực lượng tổng trù bị quân ngụy Sài Gòn, góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Tên tuổi AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu gắn liền với Tiểu đoàn 1 không chỉ bởi những trận đánh Hiệp Hòa, Đức Lập mà còn rất nhiều trận đánh khác như Phước Lý, Hựu Thạnh, Nhựt Chánh, cầu chữ Y,... Sau này, còn có những trận đánh lớn trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội, khiến quân thù kinh hồn bạt vía, trong đó, có nhiều trận tạo nên bước chuyển biến lớn trên chiến trường, góp phần cùng các địa phương giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trọn cuộc đời vì nước, vì dân

Sinh thời, dù tuổi cao nhưng ông Tư Chiểu có một trí nhớ tuyệt vời, có thể kể rành mạch từng địa danh đã đi qua, từng địa điểm đóng quân, diễn biến của từng trận đánh hay những đồng chí, đồng đội sát cánh bên mình. Những ký ức hào hùng ấy như chỉ vừa mới hôm qua. Ông không thể quên những đồng đội cùng “vào sinh ra tử”, không thôi nhớ về những tháng ngày gian khó, nếm mật nằm gai, chịu đau thương để hy vọng về ngày giải phóng. Ông vẫn luôn tự hào vì mình đã từng sống, chiến đấu và cống hiến cả tuổi xuân vì hòa bình, độc lập.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Văn Chiểu vào năm 2022

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ông trực tiếp chiến đấu và chỉ huy khoảng 450 trận lớn, nhỏ, trong đó, diệt gần 50 đại đội, 10 tiểu đoàn địch (9 tiểu đoàn chủ lực cùng 1 liên đoàn bảo an). Trong đó, những trận tiêu biểu diệt được tiểu đoàn địch là Chi khu Đức Huệ - khu vực Quéo Ba, trận đánh đồn Đức Lập 1, 2, 3; trận ngã ba Hòa Khánh; trận Cầu Bắc (xã Hựu Thạnh Hạ); trận Đình Mương Trám (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức); trận Bình Đức (xã Bình Đức, huyện Bến Lức) - đây là trận diệt Liên đội Bảo An, 5 trung đội, 1 đại đội và thiếu tá ngụy; trận Cống Tám Liễu; trận Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Cần Đước); trận xã Phước Lý (huyện Cần Giuộc);...

AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu từng giữ chức vụ Tỉnh đội trưởng, Trưởng Ty Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương (nay là Ban Tổ chức Trung ương).

Với những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông được Nhà nước tặng danh hiệu AHLLVTND; Huy hiệu 40, 50, 55, 60, 65, 70, 75 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Niên hạn hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Campuchia; Huy chương vì An ninh Tổ quốc; Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong những năm tháng cuối đời, gian phòng nhỏ của ông vẫn được con cháu bố trí tivi, sách, báo để ông xem tin tức, thời sự, dõi theo sự phát triển của quê hương, đất nước. Do tuổi cao, sức yếu, AHLLVTND Nguyễn Văn Chiểu đã từ trần vào 9 giờ ngày 11/12/2022, hưởng thọ 93 tuổi. Cả thời chiến lẫn thời bình, mỗi vị trí, vai trò, ông đều hết lòng vì nước, vì dân. Sự ra đi của ông để lại nỗi tiếc thương vô hạn, nhất là đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết