Tiếng Việt | English

17/07/2017 - 16:54

Việt Nam là "thị trường nóng" trong lĩnh vực bất động sản khu vực

 

Ảnh minh họa: Nhã Phương

Theo giới quan sát, những "khúc quanh" của năm 2016 cũng như những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới trong nửa đầu năm 2017 sẽ góp phần định hình xu hướng phát triển của lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Sau khi vượt Mỹ để trở thành quốc gia đầu tư ra nước ngoài vào bất động sản lớn nhất thế giới năm 2016, Trung Quốc chưa có dấu hiệu từ bỏ “ngôi vương” này trong tương lai gần.

Trong khi động thái kìm hãm đầu tư ra nước ngoài gần đây của Bắc Kinh có thể tác động ngắn hạn đối với những thương vụ lớn, hoạt động đầu tư xuyên biên giới trong lĩnh vực bất động sản vẫn là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hơi của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông Stuart Crow, Trưởng bộ phận thị trường vốn châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn JLL, nhận định rằng đầu tư ra nước ngoài là một nước cờ chiến lược đối với hầu hết các nhà đầu tư Trung Quốc.

Chuyên gia này dự đoán sẽ không có nhiều thay đổi về cơ cấu trong dài hạn, mặc dù trong ngắn hạn có thể có tình trạng đi xuống và trì trệ.

Theo ông Stuart Crow, xu hướng "xuất ngoại" của các dòng vốn từ Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản sẽ không dừng lại mà ngược lại tiếp tục gia tăng nhờ nền tảng vốn khổng lồ của Trung Quốc.

Việt Nam cũng là một "thị trường nóng" trong khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Năm 2016, đầu tư vào khu vực bất động sản của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng 12% so với năm 2015, và con số này được dự đoán sẽ vẫn gia tăng nhờ những điều kiện thuận lợi, như thị trường ngày càng minh bạch và tăng trưởng GDP được dự đoán ước đạt khoảng 6% trong năm nay.

Các thị trường như Australia và Singapore vẫn cho thấy sức hút khá lớn.

Ông Crow cho rằng giới đầu tư thích Australia do lợi suất cao và tính minh bạch của thị trường này, còn đối với Singapore, giới đầu tư cũng nhìn thấy sự hấp dẫn của thị trường này dù đây là một thị trường dễ biến động.

Thị trường bất động sản châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa những thỏa thuận đình đám trong thời gian tới, sau nhiều thương vụ nổi bật trong năm 2016, trong đó Quỹ đầu tư quốc gia Qatar đã mua lại tòa tháp Asia Square Tower 1, Tập đoàn bảo hiểm China Life ở Bắc Kinh “nuốt chửng” khu phức hợp Century Link ở Thượng Hải với giá 2,96 tỉ USD, còn Brookfield Asset Management đã thâu tóm Trung tâm tài chính quốc tế Seoul với giá 2,7 tỉ USD.

Ông Crow nhận định các dấu hiệu đều cho thấy xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay. Theo chuyên gia này, hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp, đồng nghĩa với việc nguồn vốn sẽ tiếp tục được đầu tư vào bất động sản. Lợi suất của các loại tài sản cốt lõi sẽ vẫn ổn định nhờ nhu cầu của giới đầu tư.

Dù kết quả bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã gây ra nhưng biến động trên thị trường tiền tệ trong ngắn hạn, các sự kiện này lại không tạo ra sự thay đổi lớn nào trên thị trường bất động sản châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tiến sỹ Megan Walters, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của JLL cho rằng thị trường tiền tệ và chứng khoán có khả năng biến động trong năm 2017, và những căng thẳng về địa chính trị có thể khiến các nhà đầu tư hàng đầu thế giới tăng vốn vào bất động sản, nhờ tính an toàn, lợi ích đa dạng và lợi nhuận thu về khá cao của loại tài sản này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết