Tiếng Việt | English

24/02/2020 - 10:30

Việt Nam điều trị hiệu quả và kiểm soát tốt Covid-19

Trong tổng số 16 ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam, tính đến ngày 23/02/2020, ngành y tế đã điều trị thành công 15 ca (cho kết quả âm tính). Điều này cho thấy, phác đồ điều trị của Việt Nam là hiệu quả.Từng ca bệnh ra viện không chỉ mang lại niềm tin cho Việt Nam mà cho cả thế giới khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.


Việt Nam điều trị hiệu quả và kiểm soát tốt Covid-19

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự chung tay của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình Covid-19 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Từ thời điểm xuất hiện ca bệnh gần nhất (ngày 13/02/2020) đến nay, Việt Nam không xuất hiện thêm ca bệnh mới (đến 18 giờ, ngày 23/02).Đây là những tín hiệu vui trong công tác phòng, chống Covid-19.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh - Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, có được thành công này là do Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Riêng trong công tác điều trị, Việt Nam đã có chiến lược "4 tại chỗ", có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả và thành lập các đội phản ứng nhanh giúp tuyến dưới.

Dù tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt, từng ca bệnh đều được điều trị khỏi nhưng dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.Vì vậy, người dân không nên chủ quan, lơ là với dịch bệnh này. Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Đây là bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa. Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên ngoài sự chủ động ứng phó, sẵn sàng trong mọi tình huống của ngành y tế thì rất cần sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”.

Điều trị hiệu quả Covid-19

Người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế như chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp: Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19; khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi…; khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vật dụng, đồ dùng.

Ngoài ra, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Người dân cần rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây để phòng lây nhiễm bệnh. Rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi; sau khi tháo khẩu trang; sau khi chăm sóc người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho hắt hơi của người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; trước các bữa ăn và trước khi chế biến thực phẩm; sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật; sau khi đi vệ sinh.

Khi không có xà phòng và nước sạch, có thể rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng kết hợp với các biện pháp vệ sinh hô hấp, vệ sinh cá nhân, vật dụng, dụng cụ và sử dụng khẩu trang đúng cách để phòng, chống dịch bệnh./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

 

Chia sẻ bài viết