Tiếng Việt | English

28/11/2024 - 10:29

Việt Nam chuyển dần internet sang IPv6, tắt IPv4 từ năm 2030

Chuyển đổi sang sử dụng IPv6 là bước đi quan trọng nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu, khi IPv4 - giao thức internet truyền thống - không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

IPv4, giao thức ra đời cùng internet từ những ngày đầu, đã cung cấp hơn 4 tỉ địa chỉ nhưng chính thức cạn kiệt từ năm 2021. Để khắc phục, IPv6 được thiết kế với không gian địa chỉ gần như vô hạn, đồng thời mang lại hiệu suất cao và chi phí thấp hơn. Năm 2024 đánh dấu sự kiện đáng chú ý khi biểu đồ định tuyến toàn cầu của IPv4 lần đầu tiên giảm vào tháng 5, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ của các kết nối trên nền IPv6.

Tại sự kiện Internet Day 2024 diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chia sẻ kế hoạch chuyển đổi toàn bộ hệ thống internet tại Việt Nam sang giao thức IPv6 từ năm 2030 nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu, khi IPv4 không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC nhận định xu thế chung của thế giới là chuyển dịch hoàn toàn sang IPv6 (Ảnh: A.Q)

Ở Việt Nam, IPv6 bắt đầu được triển khai từ năm 2013, song song với IPv4 - giao thức có mặt từ năm 1997 khi internet xuất hiện tại Việt Nam. Đến nay, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên cả nước đạt 65,35%, vượt xa mức trung bình 40% của thế giới, đưa Việt Nam vào top 7 quốc gia có tỷ lệ triển khai IPv6 cao nhất, tăng hai bậc so với năm ngoái.

Xu thế chung của thế giới sẽ chuyển dịch từ IPv4 sang IPv6. Còn tại Việt Nam, kế hoạch từ năm 2027, các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) sẽ ưu tiên triển khai IPv6 only, trước khi tắt hoàn toàn IPv4 vào năm 2030. Đây không chỉ là giải pháp về mặt kỹ thuật, mà còn mang lại nhiều giá trị về kinh tế và công nghệ, có thể tiết kiệm nhiều triệu USD.

IPv6 cũng tiêu thụ ít năng lượng hơn, giúp giảm chi phí vận hành và đóng góp vào phát triển internet “xanh”. Ngoài ra, giao thức này cũng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của công nghệ mới như AI, 5G và điện toán đám mây.

IPv6 còn là yếu tố then chốt cho sự phát triển của internet vạn vật (IoT). Khi số lượng thiết bị kết nối tăng mạnh, IPv6 với khả năng cung cấp khổng lồ sẽ đảm bảo việc kết nối của hàng triệu thiết bị cùng lúc. Mục tiêu đến năm 2030, mỗi người dân Việt Nam sở hữu trung bình bốn kết nối IoT, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh và công nghệ điện toán biên.

Kế hoạch tắt IPv4 và chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 của Việt Nam không chỉ giải quyết bài toán không gian địa chỉ mà còn đánh dấu bước chuẩn bị chiến lược cho một tương lai số toàn diện. Đây là cơ hội để Việt Nam củng cố vị trí trên bản đồ công nghệ thế giới, đồng thời xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số bền vững và hiện đại./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/viet-nam-chuyen-dan-internet-sang-ipv6-tat-ipv4-tu-nam-2030-185241127224251089.htm

Chia sẻ bài viết