Tiếng Việt | English

03/08/2016 - 08:14

Việt Nam-Campuchia đánh giá hiệu quả hợp tác sản xuất cao su

Chăm sóc rừng cao su. (Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)

Hội nghị liên ngành lần thứ hai giữa Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp, các ngành hữu quan và chính quyền một số tỉnh của Campuchia với các công ty cao su Việt Nam đang triển khai các dự án trồng cây sao su tại Vương quốc Campuchia, diễn ra trong ngày 2/8 nhằm đánh giá những lợi ích của việc đầu tư cao su tại Campuchia từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Hội nghị còn xem xét những kiến nghị, tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như vấn đề kê khai chi phí, kê khai thuế theo quy định của Campuchia; việc thay đổi các chính sách liên quan đến đất tô nhượng; vấn đề thiếu nguồn lao động tại chỗ..., với các bộ, ngành hữu quan của Campuchia.

Đến nay, có tổng cộng 48 doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai đầu tư phát triển cao su tại Campuchia, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý 15 đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 19 dự án cao su. Tổng quỹ đất các công ty Việt Nam được Chính phủ Campuchia cấp để trồng cao su là trên 200.000ha.

Tổng diện tích cao su các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng được tại Campuchia là trên 180.000ha, phân bố tại các tỉnh như Kampong Thom, Preah Vihear, Siem Reap, Molduklkiri, Ratanakiri... Hiện các doanh nghiệp đã đưa vào khai thác trên 3.000 ha và đang chuẩn bị cho công tác khai thác đại trà.

Tại hội nghị, đại diện Đại sứ quán Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số doanh nghiệp cao su Việt Nam như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Chính phủ Campuchia, các bộ ngành hữu quan từ trung ương đến địa phương và nhân dân trong và quanh vùng dự án.

Việc các doanh nghiệp cao su Việt Nam đầu tư vào Campuchia không chỉ nhằm mục đích lợi nhuận mà còn mang lại lợi ích lớn cho Campuchia trong việc phát triển cây công nghiệp, quy hoạch vùng chuyên canh cây cao su, chuyển giao công nghệ trồng và chế biến cao su..., góp phần vào thành công của mục tiêu chiến lược quốc gia Campuchia trong phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi có được, đại diện các công ty cao su Việt Nam cũng gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như vấn đề kê khai chi phí, kê khai thuế theo quy định của Campuchia; việc thay đổi các chính sách liên quan đến đất tô nhượng; vấn đề thiếu nguồn lao động tại chỗ...

Đại diện các công ty cao su Việt Nam đã kiến nghị với các bộ ngành liên quan của Campuchia, nhất là ngành thuế, hải quan để tạo điều kiện duy trì và thúc đẩy các dự án trồng cây cao su, nhất là trong bối cảnh giá cao su thế giới đang ở mức thấp như hiện nay. Cụ thể, hai bên cần đẩy nhanh tiến độ ký lại hợp đồng bổ sung điều chỉnh thời hạn hợp đồng đất tô nhượng từ 90 năm và 70 năm xuống 50 năm cho các công ty Việt Nam; tạo điều kiện thông thoáng trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu; nghiên cứu lại các quy định có liên quan đến xuất khẩu các sản phẩm cao su sau chế biến…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Yim Chhaily ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su và các doanh nghiệp cao su khác của Việt Nam trong việc tạo việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của các địa phương có các dự án.

Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhaily yêu cầu các bộ ngành liên quan ghi nhận và nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của các công ty cao su Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy các dự án trồng cây cao su./. 

Chanh Đa/TTXVN

Chia sẻ bài viết