Những thách thức về an ninh mạng
Việt Nam đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn về an ninh mạng: Một là, sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển KT-XH, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố.
Hai là, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học - công nghệ vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng được dự báo sẽ gây nên “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Ba là, các thiết bị kết nối Internet ngày càng phổ biến không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà còn có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.
Bốn là, các cuộc tấn công mạng có chủ đích (Advanced Peristent Threat - APT) không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội.
Luật An ninh mạng được ban hành tạo cơ sở pháp lý cần thiết giải quyết những thách thức an ninh mạng đang đặt ra
Trước bối cảnh trên, bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng; phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng và ứng phó với những nguy cơ mới từ không gian mạng trở thành vấn đề toàn cầu, được xác định là nội dung cốt lõi, sống còn trong bảo vệ và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sự cần thiết để ban hành luật
Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của tình hình an ninh mạng trong nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp.
Trước hết, việc ban hành luật sẽ đáp ứng các yêu cầu cấp bách của tình hình an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội như phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn phá rối an ninh, trật tự...; Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, chống chiến tranh mạng; Bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng.
Hai là, khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an ninh mạng, đó là: Tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng dẫn đến một số vấn đề còn chồng chéo, trùng giẫm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng giữa các bộ, ngành chức năng; Chưa có văn bản luật quy định về công tác an ninh mạng nên chưa đủ cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Ba là, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng.
Bốn là, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế, khi đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới ban hành Luật An ninh mạng.
Có thể nói, Luật An ninh mạng ban hành có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đối với hoạt động bảo vệ an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn đối với toàn xã hội, tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết giải quyết những thách thức an ninh mạng đang đặt ra./.
Hồng Anh lược ghi (Theo tài liệu của Bộ Công an)