Tiếng Việt | English

16/06/2016 - 19:26

Vì sao Ngoại trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung tại Trung Quốc?

Việc ASEAN không ra được tuyên bố chung đã cho thấy những chia rẽ trong giải quyết các vấn đề chung dưới sức ép của Trung Quốc.

Tờ báo uy tín hàng đầu của Singapore Straits Times ngày 16/6 có bài viết cho rằng, việc Trung Quốc đưa ra “bản đồng thuận 10 điểm” để các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cân nhắc chẳng khác nào động thái gây chia rẽ trong khối.

Quang cảnh cuộc họp đặc biệt của các Ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Sức ép của Trung Quốc

Tại cuộc họp đặc biệt của các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, 10 thành viên của ASEAN đã chuẩn bị ra một tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

Tuyên bố chung này có được sau các cuộc “trao đổi thẳng thắn” giữa các Ngoại trưởng của khối và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở thành phố Côn Minh.

Tuy nhiên, vào phút chót, đã có thay đổi khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra một “bản đồng thuận 10 điểm” và đề nghị các Ngoại trưởng ASEAN cân nhắc thông qua. Đương nhiên, đây là điều mà ASEAN không thể chấp nhận.

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều nước đặc biệt quan ngại. (Ảnh: CSIS)

Trong tuyên bố chung, các Ngoại trưởng ASEAN còn cảnh báo rằng những hoạt động gần đây trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông – nơi Bắc Kinh tiếp tục có hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và "có nguy cơ hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định" ở khu vực.

Các ngoại trưởng ASEAN không công khai chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng hay đề cập trực tiếp đến Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), thay vào đó chỉ nêu quan điểm phản đối hoạt động "quân sự hóa" và cải tạo các bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông.

Tuyên bố cũng kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thực hư về bản tuyên bố chung?

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung được chuẩn bị để công bố này sau đó cũng đã bị “đánh chìm” bằng việc tác động với một số nước trong ASEAN, chặn việc ra tuyên bố chung.

 

Theo Straits Times, bản tuyên bố chung được Malaysia công bố vào lúc 18h30 ngày 14/6 sau đó đã bị rút lại chỉ khoảng sau 3 giờ đồng hồ khi Lào, nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN yêu cầu rút lại tuyên bố vì chưa hài lòng với một số điểm. Campuchia cũng từ chối ký vào tuyên bố chung này.

Một quan chức ASEAN cho rằng, Trung Quốc đã có cách hành xử thô lỗ và ngạo mạn tại cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN. (Ảnh: AFP)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir sau đó nói với AFP rằng, văn bản được Malaysia đưa ra chỉ đơn thuần là một "chỉ dẫn truyền thông" cho các Ngoại trưởng ASEAN để tham khảo tại cuộc họp báo sau cuộc họp, chứ không phải là tuyên bố chung cuối cùng đã được các nước thống nhất.

Ông cũng giải thích rằng, cuộc họp của các Ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung Quốc đã kéo dài quá thời gian trong lịch trình, có nghĩa là cuộc họp báo bị hủy và một số Ngoại trưởng ASEAN phải rời đi ngay lập tức.

Tuy nhiên, tuyên bố này của phía Indonesia đã bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia bác bỏ khi cho rằng: “Một tuyên bố của ASEAN sẽ không được phát hành nếu không có sự đồng thuận”.

Khi không thể có sự đồng thuận, các nước ASEAN cuối cùng quyết định sẽ ra các tuyên bố riêng của họ khi cảm thấy phù hợp.

“Malaysia cho công bố bản tuyên bố là biểu hiện của sự thất vọng cùng cực trước cách hành vi đặc biệt thô lỗ và ngạo mạn của Trung Quốc”, một quan chức ASEAN giấu tên nói với Straits Times.

Malaysia rút lại bản tuyên bố chung vài giờ sau khi công bố dẫn đến những đồn đoán về việc có hay không một bản tuyên bố chung như vậy. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, điều quan trọng hơn tất cả đó là việc không thể phủ nhận đây là một “thất bại ngoại giao”./.

Hùng Cường/VOV

 

Chia sẻ bài viết