Tiếng Việt | English

17/06/2017 - 19:35

Vì sao mọi chiến lược an ninh của Mỹ đều có “bóng dáng” Nga?

Chiến lược an ninh mới của Mỹ với khẩu hiệu “Nước Nga đang tiến đến” một lần nữa cho thấy “nỗi ám ảnh mang tên Nga” đối với Chính phủ Mỹ.

Mối đe dọa từ phía Nga: Chỉ là bình mới, rượu cũ

Hạ Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Adam Smith vừa công bố một chiến lược quân sự mới trong đó thừa nhận “thách thức đến từ Nga” như một trong những “mối quan ngại hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

Ảnh minh họa: AP

Ủy viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith cũng đề xuất một dự luật mới mang tên “Thúc đẩy đoàn kết chống lại hành vi hiếu chiến của Nga trong năm 2017”, trong đó đề cập đến việc đối phó với năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Nga.

“Chúng ta đang chứng kiến một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các giá trị dân chủ của Mỹ cũng như sự gắn kết giữa các đồng minh của chúng ta kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2”, ông Smith tuyên bố.

Chính vì thế, theo ông Smith, Mỹ cần phải vạch ra một chiến lược toàn diện mới nhằm “răn đe sự hiếu chiến của Nga, tăng cường sức mạnh cho các đồng minh và đối tác quân sự, thúc đẩy sự gắn kết đồng thời tiến hành những biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng như tránh việc lao đầu vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới”.

Tuy nhiên, theo cộng tác viên của Sputnik News Andrei Kots, “nỗi sợ hãi mang tên Nga” đó hoàn toàn không có gì mới: “Rất nhiều chuyên gia và các nhà phân tích về khoa học chính trị đã khẳng định rằng, chiến lược mới mà ông Smith đệ trình chỉ là kiểu “bình mới, rượu cũ”. Chính phủ Mỹ đã rất tích cực thúc đẩy nhiều biện pháp răn đe Nga trước cả khi Nga sáp nhập Crimea và họ tiếp tục làm điều này sau khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến tại Syria”.

Trên thực tế, Mỹ bắt đầu tiến hành các biện pháp nhằm răn đe Nga từ hồi tháng 6/2002, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush (Bush con) đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo năm 1972. Tuy nhiên, chính Mỹ lại tìm cách xây dựng các lá chắn tên lửa của mình tại châu Âu.

Cộng tác viên Andrei Kots nêu rõ, trên giấy tờ, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu được cho là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa mang tính chiến lược từ Nga.

Ngoài ra, từ năm 2003-2005, Mỹ đã hỗ trợ cả về tài chính, thông tin truyền thông và ngoại giao nhằm hỗ trợ các nước Đông Âu thuộc Liên bang Xô viết cũ thực hiện các cuộc “Cách mạng Màu”. Cụ thể, Cách mạng Hoa hồng diễn ra tại Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam tại Ukraine năm 2004 và Cách mạng Tulip tại Kyrgyzstan năm 2005.

“Hệ quả là, các thể chế chính trị có quan điểm bài Nga được Mỹ hậu thuẫn liên tục nổi lên ở các nước nằm sát biên giới với Nga”, ông Andreo Kots nhận định, để hỗ trợ cho các thế lực này, NATO tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang phía Đông. Trong khi đó, Washington liên tục công kích Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng các phương tiện truyền thông của phương Tây.

“Niềm hy vọng” cải thiện quan hệ Nga-Mỹ mang tên Barack Obama cũng không ngần ngại đẩy quan hệ Nga-Mỹ vào thế đối đầu gay gắt hơn khi tiến hành một loạt các chiến dịch quân sự tại Lybia và Syria - những nước đồng minh của Nga tại Trung Đông - cũng như lôi kéo Ukraine ngả sang phương Tây.

Từ những ví dụ trên, có thể thấy, trong nhiều năm qua, chiến lược răn đe Nga của Mỹ về bản chất chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Ảnh hưởng của đồng tiền

Giáo sư Sergei Sudakov, một chuyên gia về chính trị Mỹ tại Học viện Khoa học Quân sự Nga nhận định: “Cần phải nói thẳng ra rằng, sự hiện diện của Nga trong các chiến lược quân sự của Mỹ đã giúp các nhà thầu quân sự Mỹ kiếm hàng chục tỷ USD”.

“Ông Adam Smith đệ trình dự luật đối phó với Nga chỉ bởi ông ấy là một quan chức quân sự đã nghỉ hưu làm việc cho các công ty chuyên vận động hành lang hàng đầu của Mỹ. Những công ty này muốn thổi bùng ngọn lửa bài Nga của truyền thông phương Tây nhằm buộc Chính phủ Mỹ phải hành động”, ông Sudakov nói.

Cũng theo ông Sudakov, giới vận động hành lang quân sự Mỹ rất hùng hậu và mục tiêu hàng đầu của họ là hối thúc Chính phủ Mỹ đổ càng nhiều tiền càng tốt vào việc sản xuất những loại vũ khí mới.

Bản thân Tổng thống Mỹ hiện tại Donald Trump cũng khó cưỡng lại được sức ép từ các nhà thầu quốc phòng hùng mạnh này của Mỹ. Ông Sudakov cho rằng: “Đúng là ông Donald Trump là người nắm quyền nhưng ông ấy cũng không được quyết định mọi thứ. Nhiều khả năng ông ấy sẽ ký vào dự luật về chiến lược an ninh quốc gia mới [trong đó bao gồm cả các biện pháp răn đe Nga-ND]. Điều này sẽ hạn chế rất nhiều nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc bình thường hóa quan hệ với Nga”.

Tuy nhiên, theo cộng tác viên Andrei Kots, ngay cả khi ông Donald Trump đặt bút ký vào dự luật này, chính sách của Mỹ đối với Nga cũng không thay đổi nhiều. Sẽ khó có chuyện căng thẳng Nga-Mỹ tiếp tục leo thang trầm trọng hơn bởi đến thời điểm này, tình hình đã rất phức tạp./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết