Được phân công phụ trách tuyên truyền các hoạt động thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tôi có điều kiện được tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đó là hoàn cảnh một bé gái khao khát được đến trường; mấy bà cháu sống trong căn nhà ngập nước, “trống trước, trống sau”, mơ ước có được căn nhà khang trang; cả gia đình mắc bệnh hiểm nghèo cần tiền điều trị;... Để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, tôi thường chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, ngành liên quan và các nhà hảo tâm tìm cách hỗ trợ. Nhiều trường hợp, tôi chưa kịp kêu gọi được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thì họ đã không may qua đời. Và những trường hợp đó làm tôi áy náy một khoảng thời gian dài; đồng thời nghĩ rằng có lẽ mình quá vô tư, chưa nhiệt tình và chưa đủ “duyên” giúp đỡ họ.
Tôi từng nghe một nhà báo lão thành chia sẻ: Nghề báo nhọc nhằn nhưng ý nghĩa và vinh quang. Ở đó, nó dạy chúng ta phải sống nghị lực và mạnh mẽ dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu chúng ta không vượt qua được các khó khăn của nghề thì tình yêu nghề chưa đủ lớn, sớm hay muộn cũng sẽ bỏ nghề. Quả thật khi làm nghề hơn 5 năm, tôi từng phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có những chuyến công tác đã hẹn từ trước, phải chạy hàng chục kilômét nhưng đến nơi lại không gặp được người cần gặp, trong khi đó bài vở phải nộp đúng hạn theo kế hoạch được phân công. Hay những lần chạy xe lên tuyến biên giới Vĩnh Hưng không may bị tai nạn giao thông ngay chỗ vắng người, tôi cũng phải tự ngồi dậy chạy xe về dù tay, chân đầy vết thương.
Vất vả, khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn vẹn nguyên một tình yêu như cái thuở ban đầu đến với nghề. Bởi, nghề báo cho tôi gặp được nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng đầy nghị lực và lòng tin vươn lên trong cuộc sống. Hơn hết, nghề báo còn kết nối tình cảm cha con tôi hơn 15 năm. Giờ đây, tôi đã chấp nhận sự thật và mạnh dạn đối mặt với người tôi từng xem là người dưng, vì ông đã bỏ mẹ con tôi trong lúc khó khăn nhất. Nếu không đến với nghề báo, có lẽ tôi mãi đóng cánh cửa lòng với người mà tôi từng yêu thương, kính trọng nhất. Cảm ơn nghề báo đã cho tôi nghị lực, lòng tin vượt qua rào cản tâm lý.
Chưa dừng ở đó, trong những ngày Long An nói riêng, cả nước nói chung tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19, tôi nghe được thông tin một nhà báo không may bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nên cũng cảm thấy sợ và lo lắng. Tuy nhiên, khi gặp và tiếp xúc với những người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch lại càng thôi thúc tôi phải sống có trách nhiệm và can đảm. Kết quả, tôi trở thành “mối ruột” của Khu cách ly và Bệnh viện dã chiến Bến Lức, điều này đồng nghĩa với việc tôi cũng phải tự cách ly với những người xung quanh, thậm chí chấp nhận xa đứa con gái hơn 2 tháng.
Còn những lúc Long An thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tôi lại cảm nhận được tình người, sự đoàn kết của cả dân tộc trên mặt trận chống dịch. Tôi từng không kìm được cảm xúc khi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ nghèo, sống bằng nghề bán vé số dạo đã khóc khi nhận được tiền hỗ trợ 750.000 đồng của Đảng và Nhà nước. Số tiền đó đối với nhiều người không lớn nhưng đối với người phụ nữ ấy rất ý nghĩa. Riêng những người làm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ hay giữa trưa nắng gắt vẫn cố gắng đưa tiền hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đến người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó còn là hình ảnh người phụ nữ chạy chiếc xe đạp cũ hàng ngày vẫn đóng góp 200.000 đồng hỗ trợ suất ăn sáng miễn phí cho người nghèo trong dịch bệnh. Tất cả hành động, việc làm ý nghĩa trên góp phần cho tôi thêm yêu nghề, yêu ngành mà mình đang phụ trách tuyên truyền.
Trong cuộc sống, ai đó bất chợt hỏi: Nếu cho tôi quyền chọn lại nghề thì sẽ chọn nghề nào? Và chắc chắn câu trả lời của tôi vẫn chọn nghề báo - nghề giúp tôi thêm yêu đời, yêu người, sống thật nghị lực và đầy niềm vui./.
Minh Thư