Tiếng Việt | English

28/04/2023 - 15:25

Về Quê Mỹ Thạnh nghe kể chuyện 'má Ba cơm nguội'

Thời điểm cam go, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, “má Ba cơm nguội” ngày qua ngày nấu cơm nuôi du kích, bộ đội cho đến ngày quê hương giải phóng. Má Ba trong mắt địch là bà đồng bóng đi cúng miễu, với cách mạng là nữ giao liên gan dạ, là người mẹ bao dung với tình thương dạt dào nuôi những đứa con đang chiến đấu vì quê hương.

Cựu chiến binh Trần Thị Kiều kể câu chuyện về “má Ba cơm nguội” cho cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tân An

“Má Ba cơm nguội” tên thật là Lê Thị Lê (sinh năm 1900, mất năm 1982). Má không chồng, con, khi má mất, người cháu ruột thờ cúng tại ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ. Những ngày lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng vũ trang huyện, chính quyền địa phương, đoàn viên, thanh niên và những người từng được má cưu mang, cán bộ lão thành về thắp nhang bàn thờ má. Bao nhiêu năm qua, tình cảm dành cho má vẫn thật trọn vẹn như cách má dành cho du kích, bộ đội trong kháng chiến.

Tại mộ phần của má ở xã Quê Mỹ Thạnh, bia mộ được chính quyền địa phương và các cháu khắc dòng chữ “Mẹ chiến sĩ Lê Thị Lê”. Đứng trước mộ phần, trong lòng các cựu chiến binh (CCB), bao ký ức về má lại ùa về. Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh - Lê Thị Lan trước đây là giao liên của xã, chia sẻ: “Ngày đó, má Ba nghèo lắm, nhà hết gạo, má đi vận động để nấu cho bộ đội, du kích. Má ngụy trang cơm, tài liệu khéo léo trong mâm vàng, nói với địch là đi cúng miễu. Má thương bộ đội, du kích, giao liên như con của mình”.

Giai đoạn năm 1969, giặc tăng cường càn quét tại Tân Trụ. Đây là một trong những vùng chiến sự ác liệt, nơi chúng thực hiện “3 sạch” (phá sạch, đốt sạch, giết sạch), CBCS ta hầu như không bám trụ được. Năm 1970, CBCS vẫn phải bám ở Cần Đước, Châu Thành - nơi còn địa hình để trú ẩn, đêm mới có thể về hoạt động. Giai đoạn khó khăn nhất, Tân Trụ chỉ còn lại 1 tổ bộ đội bám trụ, má Ba là người trực tiếp lo cơm nước cho các anh đến ngày toàn thắng.

Nồi cơm má nấu nuôi du kích, bộ đội địa phương, miền Bắc trong những năm tháng kháng chiến ác liệt cho đến ngày nước nhà thống nhất. Nhà có bao nhiêu lúa gạo, má dành hết cho các anh. Lúc nào má cũng nấu sẵn cơm, phòng khi bộ đội ghé vào thì có để ăn. Nơi mé sông, bờ ruộng, hốc cây đều có cơm má gói lá chuối để sẵn. Khi tình hình yên ắng hoặc lúc trời tối, các anh về lấy. Hiếm lắm, má và các anh gặp nhau vội vã, má dặn dò, động viên vài câu. Má Ba còn là giao liên, vượt qua bao tai mắt của kẻ thù, bảo đảm an toàn thư từ, lương thực, thuốc men đưa vào căn cứ. Cái tên “má Ba cơm nguội” mà bộ đội, du kích hay gọi chứa đựng bao tình cảm thân thương, dạt dào dành cho má.

Mỗi lần trở lại Long An thăm lại chiến trường xưa, CCB Nguyễn Văn Lạc - Trung đoàn 230, đều về xã Quê Mỹ Thạnh thắp nhang cho “má Ba cơm nguội”. Ông bồi hồi nhớ lại: “Những ngày Trung đoàn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Long An, tôi không thể nào quên. Thời điểm cuối năm 1969, đầu năm 1970 ở Long An, phía Nam lộ 4 gần như vùng trắng, địch kiểm soát rất chặt chẽ. Lực lượng Trung đoàn sống chủ yếu vào số ít dân bám trụ lại. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi nồi cơm của má đã nuôi chúng tôi trong những ngày tháng ác liệt đó. Ngày ngày, má nấu cơm mang đến một điểm cố định để chạng vạng tối, chúng tôi đến lấy. Mỗi lần mang cơm, thi thoảng gặp, má dặn các con ăn no, ráng lo đánh giặc, bao giờ chiến thắng về sum họp với má”.

Hòa bình lập lại, năm 1982, má Ba mất do căn bệnh hiểm nghèo. Mặc dù cháu của má Ba vẫn thờ má ở nhà nhưng trân quý tấm lòng, tình thương của má, CCB Trần Thị Kiều (ngụ phường 5, TP.Tân An) xin phép đưa di ảnh má Ba về thờ tại nhà mình từ năm 1991 đến nay. CCB Trần Thị Kiều chia sẻ: “Với tấm lòng kiên trung đối với cách mạng, lúc gian khổ nhất, má Ba vẫn kiên cường bám trụ để lo cho du kích, bộ đội. Tôi xem má Ba như má ruột nên thờ má Ba cùng má tôi. Ngày giỗ, lễ, tết, tôi đều cúng cơm và ghi nhớ trong tâm thức rằng tôi có hai người mẹ”.

Các cựu chiến binh về xã Quê Mỹ Thạnh thắp nhang, tưởng nhớ má Ba

Thượng úy Trần Thanh Quân - Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Trụ, thông tin: “Chúng tôi biết về má Ba qua lời kể của những người đi trước. Tôi luôn tự hào khi quê hương có những tấm gương như thế, tận tụy chăm lo cho CBCS an tâm chiến đấu vì quê hương. Tiếp bước cha anh, thế hệ hôm nay sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương”.

Má Ba là một trong rất nhiều tấm gương những người mẹ, người chị đã chẳng quản hiểm nguy, chăm lo cho CBCS ta trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Họ chính là hậu phương vững chắc, góp sức vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập của Tổ quốc./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết