Tiếng Việt | English

25/02/2020 - 15:06

Về lại Tuyên Bình

Chiều tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An rất đỗi bình yên. Có dịp trở lại nơi đây, chúng tôi cảm nhận không khí nhẹ nhàng, mộc mạc... ở một vùng biên của Tổ quốc.

Đường vào trung tâm xã Tuyên Bình rợp bóng cây 

Buổi chiều nắng vẫn còn gay gắt, bà Huỳnh Thị Vàng (60 tuổi), nhà ở khu dân cư cách trụ sở xã Tuyên Bình chừng 3km, đội nón ra phía trước nhà trở mớ lục bình vừa cắt phơi khô. Mỗi ngày, hai vợ chồng bà đều bơi xuồng ven sông cắt lục bình, rồi về phơi bán, kiếm khoảng 200 ngàn đồng.

Bà Vàng hiện sống cùng chồng và đứa cháu 5 tuổi trong căn nhà mới được chính quyền xã Tuyên Bình và Vĩnh Bình xét hỗ trợ khoảng 4 tháng nay. Như những người hàng xóm, bà từ Campuchia trở về Việt Nam sống đã 15 năm nay. Bà chia sẻ: “Nhà nghèo, không có nơi ở cố định nên sau khi dựng vợ gả chồng cho các con, vợ chồng tui chắt chiu mà cuộc sống vẫn thiếu thốn. Nhờ Nhà nước quan tâm, vợ chồng được xét hỗ trợ căn nhà ở nên gia đình mừng lắm! Có nhà ở, mỗi năm sẽ dư được mấy triệu đồng tiền thuê đất. Vì vậy, chỉ cần được khỏe mạnh, vợ chồng tôi đi làm mướn, sống cũng ổn”. 

Sau khi trò chuyện cùng bà, chúng tôi vào trung tâm xã Tuyên Bình. Hai bên đường có những hàng cây thẳng tắp, xanh mượt, rợp bóng mát. Công trình này có sự chăm chút của các chị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tuyên Bình. 

Chiều biên giới tại Tuyên Bình

Chạy xe qua chiếc cầu treo, chúng tôi đến ấp Cả Bản. Cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây là tuyến đường sạch, đẹp với những hàng cây xanh mát, rực rỡ sắc hoa và hàng rào xanh. Đoạn đường xanh, sạch, đẹp này là công sức của các hội viên phụ nữ. Mô hình này trước đây được Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Hưng chọn làm điểm với hơn 30 hộ tham gia. Khi mới thực hiện, hội gặp không ít khó khăn trong tuyên truyền, vận động. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tuyên Bình - Nguyễn Thị Ngọc Ngà, trước đây, những hộ dân nơi đây chủ yếu tập trung làm kinh tế, ít quan tâm đến cảnh quan môi trường. Bởi các chị cho rằng, làm hàng rào xanh hay trồng cây phải mất thời gian chăm sóc. Vì thế, chị Ngà cùng Chi hội Phụ nữ ấp Cả Bản, một vài hội viên chủ động trồng cây. Cứ vài ngày, các chị lại đến quan sát, dọn cỏ hai bên đường,... Việc làm ý nghĩa này dần được những người dân sinh sống gần đó ghi nhận và tự giác thực hiện. Bà Nguyễn Thị Nhiễn nói: “Nhận thấy đây là mô hình hay, có ích nên tôi tự giác tham gia, làm hàng rào xanh, trồng dây leo kết hợp cây ăn trái. Hàng ngày, sau khi đi làm ruộng về, tôi cùng chồng tưới nước, bón phân để cây phát triển xanh tốt”.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, bà Ngộ - một hộ dân sống gần đó, tự trồng hoa cẩm tú mai để tạo điểm nhấn cho ngôi nhà và làm đẹp thêm cho tuyến đường. “Thấy mô hình này ý nghĩa, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa bảo vệ môi trường nên tôi hưởng ứng” - bà Ngộ nói.

Mô hình tuyến đường “Xanh, sạch, đẹp” được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã triển khai thực hiện từ đầu năm 2019 tại ấp Rạch Đình với 9 thành viên.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tuyên Bình - Nguyễn Thị Ngọc Ngà cho biết, ngoài thực hiện điểm tại ấp Cả Bản, mô hình còn nhân rộng sang ấp Chòi Mòi, Rạch Đình,... Mô hình không chỉ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư mà còn giúp chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới.

Ở một góc biên cương, có những con đường nhiều hoa và cây xanh, một cuộc sống bình yên, no ấm đang hiện hữu./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết