Tiếng Việt | English

17/02/2020 - 20:40

Về Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tỉnh Cà Mau có đến 22 đền thờ Bác Hồ được đồng bào dựng lên ở những điểm bí mật trong vùng kháng chiến và cả trong vùng tạm chiếm thời chống Mỹ - ngay khi hay tin Bác mất - để kịp làm lễ truy điệu Bác và sau đó để mọi người đến dâng hương tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, thể hiện tấm lòng người dân xứ tràm, đước ở cuối đất phương Nam Tổ quốc. Ngày nay, 22 điểm đền thờ Bác Hồ là 22 di tích lịch sử cách mạng. Riêng tại TP.Cà Mau, năm 2011, đã xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lâm viên 19/5 với diện tích 60.700m2.

Nhà sàn Bác Hồ trong Khu tưởng niệm
Chúng tôi đến đây vào một chiều muộn, khi từng đàn chim trời bay đi kiếm ăn tứ tán đang lũ lượt quay về “vương quốc” thân yêu của chúng là khu vườn cổ thụ với tên “Vườn chim” chiếm hơn 30.000m2 trải dài mép một con kênh nhỏ chạy song song với mép đường chính trong khu tưởng niệm. Qua khỏi cổng chào, đi giữa 2 hàng chậu kiểng bonsai lâu năm cao vượt đầu người trong cái mát rượi của màu xanh thực vật, một tấm bảng dựng kế cổng, ghi: “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một địa điểm thiêng liêng, nơi thể hiện tấm lòng của người dân Cà Mau dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình văn hóa ý nghĩa, đáp ứng lòng mong mỏi và niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau… Chúng tôi cùng trang nghiêm vào đền thờ dâng hương trước tượng đồng Bác Hồ. Từ sàn tiền sảnh đền thờ khá cao, có thể ngắm toàn cảnh khu tưởng niệm phủ rợp bóng các loại cây nhiệt đới đặc trưng trên đất Nam bộ.

Gần 4 giờ sáng hôm sau, nhà báo, nhà thơ trẻ Võ Mạnh Hảo đánh thức tôi dậy. Chúng tôi tản bộ trên đường Phan Ngọc Hiển - con đường lớn mang tên người thầy giáo trẻ kiêm nhà báo yêu nước - người chiến sĩ của Nam kỳ Khởi nghĩa đã lập ra 2 đội đánh cá ngoài khơi và trong rạch để che mắt địch và đón đưa anh em tù chính trị vượt ngục Côn Đảo trở về đất liền được an toàn; cũng là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12/1940 chống thực dân Pháp, được ghi trong sử sách. Trời còn mờ hơi sương, phố Phan Ngọc Hiển đã rộn rã âm thanh “trên bến dưới thuyền” của một đô thị sầm uất trên sông nước. Rẽ sang đường vào cổng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổng chính còn đóng, phải đi vào một lối khác với chủ đích vào xem và chụp ảnh vườn chim nhưng vườn tĩnh lặng vì các loài chim còn ngủ. Khung cảnh hùng vĩ và nên thơ. Băng qua những bóng cổ thụ uy nghiêm lấm tấm vệt sáng của đèn đường, nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo đúng nguyên mẫu; quanh nhà tạo cảnh như trong vườn Bác ở Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Ao cá Bác Hồ rộng tới 2.000m2, mặt nước lung linh tăm cá đớp mồi và bóng dừa quê hương trước nhà sàn. Đi đến một chỗ tưởng như hòn giả sơn nhưng đó là một dãy hòn đá ghép vào nhau, mỗi hòn ghi tên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Tổ quốc trên biển Đông; mặt đá nào cũng in hình cột mốc chủ quyền với lá cờ Tổ quốc Việt Nam như kết tụ 2 quần đảo thiêng liêng này với hình Tổ quốc ngàn đời mến yêu. Tới một bức tường ximăng đắp phù điêu với màu sắc sống động về khu mộ cụ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một triền núi ở Nghệ An. Lên đền thờ Bác Hồ, còn quá sớm nên chưa mở cửa. Trở ra cổng đền, thấy trên 2 trụ cổng khắc 2 câu thơ Tố Hữu: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha, rưng rưng một niềm cảm xúc sâu lắng, mênh mang... 

 Cổng vào Khu tưởng niệm

Trời sáng dần, vườn chim như “tỉnh giấc” với muôn ngàn âm thanh chào đón bình minh rồi ùn lên bay táo tác như từng đám mây ngũ sắc tạc lên nền trời xanh thẳm. Trên những ngọn cổ thụ cao chót vót, bung tàn rộng xum xuê cành gió phủ bóng chim đu đưa; chúng như lưu luyến cái vương quốc thanh bình và ấm êm của mình, nên chưa vội rời đi kiếm ăn. Thật đáng tiếc cho chiếc máy ảnh của Mạnh Hảo… hết pin, không dùng được! Cậu đành dùng cái iPhone nhưng không với tới, bởi lũ chim cứ bay và đảo lượn tít cung mây. Xẩm tối hôm qua, chúng tôi đã mục sở thị bên bờ kinh dưới chân vườn cổ thụ kia có từng bầy cò trắng đông đặc chạy lơn tơn trên mặt đất, rồi rúc vào nhau trố mắt nhìn người đang ngắm chúng một cách dạn dĩ; đinh ninh thế nào sáng nay mình cũng săn được nhiều ảnh đẹp như mong muốn. 

Quay ra đường Phan Ngọc Hiển với những con phố ngất ngưởng, màu sắc tươi đẹp. TP.Cà Mau ngày càng “nở nồi” ra các rìa bưng trũng nhấp nhô sóng nước phủ xanh. Và, càng xanh hơn bởi những hầm đất đã khai thác hết trong lòng thành phố được giữ lại và cải tạo thành những hồ sinh thái với vòng công viên viền quanh, biểu hiện sự nâng niu môi trường xanh cho cuộc sống đô thị chống lại sự biến đổi khí hậu và mang lại cảm giác tươi mát, an lành cho mọi người. Nhiều con phố trẻ tựa vai vào mảng xanh thật đáng yêu. 

Khu tưởng nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi như đã ghi trên tấm bảng trên đây, mà còn là một địa chỉ tham quan - du lịch văn hóa - lịch sử thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và ngoài nước. 

Tôi và Mạnh Hảo rảo qua thành phố với những mảng xanh công viên và những quảng trường rực rỡ màu hoa lá. Sau đó là đi Khu di tích Tỉnh ủy Cà Mau rồi xuống bến ngay đó, đi vỏ lãi băng ra đầm Bà Tường (được coi là Biển Hồ của Đồng bằng sông Cửu Long) ngoạn cảnh với các kiểu nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản của cư dân trên đầm. Rồi lên quán thủy tạ rộng lớn “mọc” giữa đầm để thưởng thức các món ăn đặc sản biển và nước lợ, trước khi lên đường đi Đất Mũi coi “đất nở” từ phù sa sông Cửu Long bồi đắp với sự trợ lực của vô vàn bộ rễ đước như cái nơm chụp xuống để giữ đất - như thể tiếp bước tổ tiên ta mở cõi Đất phương Nam ra một bên biển Đông và một bên biển Tây. Sông và biển vẫn ngày đêm cần mẫn tuôn và hứng phù sa sông Cửu Long tạo nên những bãi bồi cho xanh thêm rừng tràm, rừng đước, và cho Đất Mũi ngày càng thêm rộng thêm dài ra phía biển giàu đẹp của quê hương./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết