Ông Trương Quý Nam có gần 30 năm gắn bó với quê hương Long An
Là người Việt gốc Hoa, ông Trương Quý Nam (SN 1958) có gần 30 năm gắn bó với quê hương Long An. Trước đây, ông sinh sống và làm việc tại TP.HCM, từ khi lập gia đình, ông về quê vợ lập nghiệp. Song, hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng ông chia tay. Ông Nam thuê căn nhà trọ nhỏ ở phường 1, TP.Tân An. Không có mặt bằng, ngày ngày, ông rong ruổi trên chiếc xe tự chế bán bột chiên mưu sinh. Sau nhiều điểm bán, ông thấy góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Trương Định là địa điểm lý tưởng nhất.
Ông Nam chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi đi bán ở góc đường này từ 18-23 giờ, hôm nào bán chậm thì về trễ hơn. Về nhà, tôi lau dọn xe, ngâm gạo đến hơn 1 giờ mới ngủ. Để bột chiên ngon, tôi tự làm bột gạo thay vì mua sẵn ở chợ. Ban ngày, tôi chuẩn bị nguyên liệu để đến tối đi bán. Công việc này vất vả lắm, thu nhập vừa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt và trả tiền thuê trọ hàng tháng”.
Khi được hỏi về mong ước ở tuổi xế chiều, ông Nam cười xòa, giờ đây, bản thân ông chẳng mong gì lớn lao, chỉ mong có sức khỏe, mỗi ngày bán đắt hàng để được về sớm. Có lẽ, ước mơ giản dị của ông Nam cũng là ước mong chung của những người bán hàng rong. Trên chiếc xe máy cũ, người phụ nữ ngoài 50 tuổi chở lỉnh kỉnh các loại hàng hóa và dừng lại trước quán nhậu trên đường Nguyễn Cửu Vân (phường 4, TP.Tân An). Bà là Nguyễn Thị Lan (quê Sóc Trăng), đã có hơn 20 năm gắn với mảnh đất Long An. Mỗi ngày, bà bán hàng rong để kiếm sống.
Bà Lan tâm sự: “Ở quê, cuộc sống khó khăn, cả nhà 3 người dắt díu nhau lên Long An kiếm sống. Trước đây, tôi đi làm công nhân nhưng giờ lớn tuổi rồi nên không còn làm nữa. Mấy năm nay, tôi đi bán trái cây, trứng luộc dạo ở các quán nhậu, chợ đêm và lấy thêm 100 tờ vé số để bán. Ngày nào bán đắt thì được về sớm, còn ế thì hơn 0 giờ. Trung bình thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày, đủ để cả nhà trang trải chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ. Bây giờ, tôi chỉ mong mỗi ngày bán đắt hàng. Cả nhà cố gắng làm việc, dành dụm tiền để sau này về quê sống”.
Khi phố lên đèn, dạo một vòng TP.Tân An, không khó để bắt gặp hình ảnh tất bật mưu sinh của những người bán hàng rong, người chạy bàn cho các quán ăn, quán nhậu, người "bám" hội chợ để mưu sinh. Để có được "đồng ra, đồng vào" trang trải cuộc sống đối với những người lao động tự do chưa bao giờ dễ dàng. Khi nhiều người đã say giấc thì đâu đó vẫn có những người đang vất vả mưu sinh trong đêm lạnh. Hy vọng công việc của mọi người luôn thuận lợi, có thêm thu nhập để chăm lo cho bản thân và gia đình./.
Hoài An