Ông Huỳnh Đồng (nguyên Trung đội trưởng Trinh sát-Đoàn 10) và bà Phạm Thị Nhung (cán bộ y tá Đoàn 10) thắp nhang cho các đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ Rừng Sác. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, Rừng Sác năm xưa đã có nhiều thay đổi. Chiến khu bị giặc Mỹ ném bom, rải chất độc hóa học tan hoang năm xưa nay đã một màu xanh tốt. Đó là nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như người dân Cần Giờ, bởi đây không chỉ là “lá phổi xanh” của thành phố, mà nơi đây chất chứa bao kỷ niệm, chiến tích oai hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Giữ màu xanh Rừng Sác
Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác là người trải qua nhiều cuộc chiến đấu như kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong tâm khảm một người lính này, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Rừng Sác rất đặc biệt, đó là một thời oai hùng gắn với những chiến công hiển hách.
Bồi hồi ôn lại những kỷ niệm trong kháng chiến, Thiếu tướng Trần Thành Lập ngập ngừng kể về những người đồng đội đã ngã xuống ở vùng Rừng Sác. Trong số đó, hơn 500 liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt, bởi đây là vùng sông nước, thủy triều lên xuống cuốn trôi từng ngôi mộ.
Cũng bởi trên vùng đất Rừng Sác Cần Giờ còn rất nhiều liệt sỹ ngã xuống chưa tìm được mộ, Thiếu tướng Trần Thành Lập mong muốn huyện Cần Giờ sẽ xây dựng nơi đây trở thành một địa điểm du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để những chiến công, sự hy sinh xương máu của cha anh mãi được khắc ghi.
Dẫn chúng tôi đi vào khu vực các phần mộ của liệt sỹ Đoàn 10 ở Nghĩa trang Liệt sỹ Rừng Sác, bà Phạm Thị Nhung (nguyên cán bộ Y tá Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) chia sẻ ở đây mới có mộ của một số anh em trong Đoàn, nhiều liệt sỹ chưa tìm được phần mộ.
Thời gian qua nhanh, nước cuốn trôi lớp đất phủ trên những ngôi mộ được chôn vội vã giữa những trận chiến... Bà Nhung hy vọng lớp trẻ ngày nay sẽ gìn giữ, phát huy được Khu Di tích lịch sử Rừng Sác oai hùng, xây dựng nghĩa trang thành một nơi về nguồn, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ mai sau.
Sau khi rời quân ngũ năm 1987, ông Cao Hùng Ngọt không về quê hương Thanh Hóa, mà tiếp tục gắn bó với vùng Rừng Sác, bởi với ông đây là nơi lưu giữ những chiến công của cá nhân ông cũng như đơn vị; nơi những người dân đã bao bọc Đoàn 10 trong những ngày tháng gian lao nhất. Đây cũng là vùng đất mà biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống.
Nhìn về con sông Lòng Tàu cùng hàng cây phía xa, ông muốn Rừng Sác rồi đây tiếp tục xanh tươi và mãi khắc khi chiến tích của Đoàn 10 năm xưa...
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Mai (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), trong chiến tranh, để đối phó với đặc công, Mỹ ngụy đã dùng chất độc hóa học hủy diệt Rừng Sác, cứ mỗi hécta bị nhuộm gần 60 lít chất độc. Thảm thực vật bị hủy hoại trơ trọi, Cần Giờ mang đầy thương tích chiến tranh.
Với quyết tâm khôi phục lại “lá phổi xanh” và vùng dự trữ sinh quyển, Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong, phục hồi hơn 31.000ha rừng.
Ngày 8/12/2010, Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương giao cho Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tôn tạo, tái hiện Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, nhằm tôn vinh những chiến công của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã sống, chiến đấu, hy sinh anh dũng tại chiến khu Rừng Sác; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ sau, đồng thời kết hợp du lịch sinh thái, bảo tồn, phát triển khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đưa du lịch cất cánh
Năm 2012, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có công văn giao cho Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi làm chủ đầu tư dự án tái hiện, tôn tạo Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, đến nay, Dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu trung tâm 2.
Trong tương lai, khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, đây sẽ là một địa chỉ đỏ về nguồn, có ý nghĩa giáo dục lịch sử, một địa điểm tham quan du lịch sinh thái, trải nghiệm đầy thú vị của thành phố và huyện Cần Giờ.
Theo quy hoạch phát triển du lịch huyện Cần Giờ đến năm 2020 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, Cần Giờ sẽ trở thành một trung tâm du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính gồm du lịch sinh thái biển, khu du lịch sinh thái rừng và khu du lịch sinh thái nông nghiệp. Khu du lịch sinh thái biển sẽ tập trung tại các điểm ven biển Cần Thạnh-Long Hòa, xã đảo Thạnh An và núi Giồng Chùa.
Bên cạnh đó, Cần Giờ đang triển khai tôn tạo, nâng cấp các điểm du lịch như bãi biển 30/4 ở xã Long Hòa, Khu Du lịch hoang dã Lâm Viên với Khu căn cứ kháng chiến Rừng Sác, Khu núi đá Giồng Chùa (Thạnh An), các khu di chỉ khảo cổ... Hiện Cần Giờ đang được khá nhiều công ty du lịch quan tâm đầu tư, mở tuyến đưa khách tham quan.
Hiện nay, lượng khách đến tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác hằng năm đều tăng, trung bình mỗi năm đơn vị tiếp đón và phục vụ gần 300.000 lượt khách, trong đó có gần 200.000 lượt khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch chỉ được phát triển và khai thác tốt nếu huyện có công trình về giao thông, dịch vụ nhà vệ sinh, nhà chờ, nhà nghỉ... Những khó khăn về giao thông khiến nơi đây chưa phát huy được tiềm năng về du lịch. Hiện nay, phà Bình Khánh vẫn là phương tiện duy nhất kết nối Cần Giờ với trung tâm thành phố.
Giữa tháng 4/2019, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố thiết kế cầu Cần Giờ, với hình tượng cây đước, loại cây đặc trưng của vùng Rừng Sác. Việc xây dựng cầu được đánh giá là đặc biệt cấp thiết, thay thế phà Bình Khánh để kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố cũng như các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết, hiện công tác kêu gọi đầu tư có nhiều thuận lợi do Trung ương và thành phố quan tâm, chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án mang tầm chiến lược tại địa phương như Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, tuyến phà kết nối Cần Giờ-Vũng Tàu… Đây là động lực thúc đẩy kinh tế huyện phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là ngành du lịch.
Sông Lòng Tàu hiện vẫn là tuyến giao thông thủy huyết mạch với nhiều tàu vận tải cỡ lớn vận chuyển hàng hóa từ biển Đông vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Đã hơn 44 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Rừng Sác ngày nay đã có nhiều đổi thay, không còn là cánh rừng hoang tàn do bom đạn địch dày xéo... Dù vậy, nơi đây vẫn luôn mãi khắc ghi chiến công lẫy lừng của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, với những chiến sỹ dũng cảm, quên mình cho Tổ quốc.
Rừng Sác đã trở thành một “địa chỉ đỏ,” nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ, đồng thời là nơi du lịch sinh thái gắn với địa danh lịch sử, động lực phát triển kinh tế-xã hội cho huyện Cần Giờ./.
Theo TTXVN