Tiếng Việt | English

15/03/2024 - 15:04

Vàng biến động mạnh, quản lý thị trường ra sao trước những "cơn sốt" giá?

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường.


Thị trường vàng trong nước đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thị trường vàng trong nước đang diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, có sự chênh lệch cao giữa giá vàng SIC và các thương hiệu khác đã tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Điều này đòi hỏi cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng theo hướng vừa đảm bảo quản lý thị trường vàng, vừa đảm bảo tính thị trường.

Sau hơn 10 năm, khi kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát, nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng theo hướng sát thị trường hơn, giúp cung và cầu vàng gặp nhau.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng thừa nhận đáng lẽ ra phải sửa đổi sớm hơn để phù hợp trước diễn biến thị trường vàng hiện nay.

Hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, tuy nhiên từ năm 2014 lại không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế. Từ đó, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC; cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng, còn vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc thị trường, do các cơ quan chức năng quản lý. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò hiện nay của Nghị định 24/2012/NĐ-CP để xem còn hiệu quả hay không.

"Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc xem xét lại vàng miếng SJC so với những loại vàng khác, thương hiệu khác. Mục tiêu cuối cùng phải đạt được là quản lý thị trường vàng để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu người dân," Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, cho rằng việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng hiện nay cũng có thể cân nhắc giao thêm cho các doanh nghiệp khác, những doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn.

Việc này cũng giúp cho giá vàng SJC, giá vàng miếng ổn định hơn, hạn chế việc chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới như giai đoạn vừa qua.

Trao đổi với báo chí, ông Shaokai Fan là Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cũng bày tỏ chắc chắn sẽ phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24/2012/NĐ-CP trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng.

Bởi, bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu thương hiệu quốc gia của vàng SJC và đơn vị nhập khẩu vàng cùng có sự thay đổi sau khi sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì sẽ tạo sự ổn định hơn cho thị trường vàng.

Còn nếu một trong hai yếu tố đó có thay đổi cùng với Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa được sửa đổi thì giá vàng sẽ còn biến động.

Trước đó, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Hai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Tại Chỉ thị Số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đưa ra đề xuất về giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý 1 năm 2024.

Vào cuối năm 2023, Thủ tướng cũng đã có Công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng về nội dung này, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường; không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao.

Trao đổi với báo chí, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong quý 1 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng theo hướng hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết Tất cả những vấn đề tồn tại sẽ được xử lý trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP sửa đổi thời gian tới.

Đồng thời, Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ được sửa đổi theo hướng vừa đảm bảo quản lý giá vàng và vừa đảm bảo tính thị trường.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng./.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vang-bien-dong-manh-quan-ly-thi-truong-ra-sao-truoc-nhung-con-sot-gia-post934732.vnp

Chia sẻ bài viết