Tiếng Việt | English

25/12/2024 - 15:15

Văn hóa đón Giáng sinh của người Việt

Cây thông lung linh, những bài thánh ca ngân vang, ông già Noel,... là những hình ảnh quen thuộc của mùa Giáng sinh. Tại Việt Nam, lễ Giáng sinh mang một màu sắc rất riêng, vừa mang chút hiện đại của phương Tây, vừa có cả nét truyền thống.

Giáng sinh được biết là ngày lễ của người theo đạo Công giáo. Đây là dịp lễ quan trọng để đón mừng năm mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Du nhập từ các nước phương Tây vào Việt Nam, Giáng sinh vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng như trang trí cây thông, tặng quà cho nhau, trang trí nhà cửa hay chỉ đơn giản là “xuống đường” đón Noel.

Trong văn hóa tôn giáo, từ đầu tháng 12, các tín hữu Công giáo bắt đầu trang hoàng giáo xứ, dọn dẹp và trang trí nhà cửa với nhiều mô hình máng cỏ, hang đá, cây thông,... Họ gọi đó là Mùa Vọng, khoảng thời gian chuẩn bị cho ngày đại lễ Giáng sinh. Vào ngày 25/12, các giáo dân sẽ đến nhà thờ để tham dự lễ Misa, hát thánh ca, cầu nguyện và lắng nghe những bài giảng về ý nghĩa của lễ Giáng sinh.

1. Từ đầu tháng 12, chị Lâm Bảo Trân (phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An) cùng nhiều nhà trong xóm tất bật chuẩn bị nguyên, vật liệu để trang trí hang đá, cây thông, treo ngôi sao trước nhà,... Cả gia đình cùng ngồi lại, soạn những vật dụng cũ năm trước để tái sử dụng nếu còn nguyên vẹn.

Chị Trân chia sẻ: “Đối với người Công giáo nói chung và mình nói riêng, Giáng sinh là dịp lễ quan trọng. Giáng sinh không chỉ đơn thuần là dịp kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng thế mà còn là ngày lễ của mỗi gia đình Công giáo. Đây là thời điểm các thành viên quây quần bên nhau, cùng tâm sự, sẻ chia về cuộc sống, công việc và đón chào một năm mới sắp tới”.

Truyền thống của gia đình chị trong ngày Giáng sinh là cùng nhau đi lễ nhà thờ. Sau đó, mọi người quây quần dùng bữa cơm gia đình vui vẻ với những món ăn đậm chất Noel như đồ nguội, gà nướng, lẩu,...

Nhớ lại khoảnh khắc vui vẻ nhất trong dịp Giáng sinh, chị Trân không sao quên được hình ảnh con nhỏ háo hức nhận quà từ ông già Noel. “Giáng sinh về, trẻ con nôn nao được nhận quà từ ông già Noel. Vì vậy, khi gia đình dùng cơm tối, tôi chọn sẵn những món quà gửi dịch vụ giao hàng qua ông già Noel, đến tận nhà phát cho trẻ. Lúc nào họ cũng kèm câu nói “Cố gắng chăm ngoan và học giỏi, năm sau ông già Noel sẽ đến phát quà”” - chị Trân chia sẻ.

2. Kết hôn năm 2017, từ đó đến nay, chị Phan Thái Huyền (SN 1998, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) có thêm một dịp đặc biệt trong năm để cùng gia đình làm nhiều điều ý nghĩa. Dù bận rộn đến mấy, vợ chồng chị vẫn dành thời gian để ôn lại những gì đã qua trong năm cũ và hân hoan đón Giáng sinh, năm mới.

Chị Phan Thái Huyền (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cùng chồng thăm các địa điểm trang trí Giáng sinh lung linh tại TP.HCM

Mỗi năm, trước ngày lễ chính diễn ra, gia đình chị cùng nhau đi du lịch để tận hưởng không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi. Với chị Huyền, đây không chỉ là dịp các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau mà còn là dịp nhắc nhở mỗi người gác lại phiền muộn trong năm cũ và tái tạo năng lượng tích cực hơn. Vào mỗi dịp Giáng sinh, vợ chồng chị Huyền còn tự tay trang trí nhà.

Chị Huyền cho biết: “Do ít có thời gian rảnh nên chúng tôi không trang trí nhiều. Đến gần những ngày này, chúng tôi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa và điểm tô thêm một vài vật biểu tượng cho Giáng sinh có màu sắc xanh, đỏ để tạo thêm không gian vui tươi, ấm áp”.

Như thông lệ, năm nay, chị Huyền cùng chồng đi du lịch ở Đà Lạt và ghé thăm một vài địa điểm đẹp những ngày cuối năm ở TP.HCM. Trước khi về nhà, anh chị mua nhiều món quà để dành tặng người thân vào đêm Giáng sinh với ý nghĩa mang lời chúc an lành đến với mọi người.

3. Trước kia, anh Vũ Ngọc Minh Hiếu (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) thường đón Giáng sinh bằng cách rủ bạn bè đi ăn uống, vui chơi, chụp ảnh tại nhà thờ. Nhưng từ khi theo đạo Công giáo, cuộc sống của anh có nhiều thay đổi.

Anh Hiếu nói: “Trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, tôi được vợ rủ đi lễ ở Nhà thờ lớn Hà Nội vào đêm Giáng sinh, tôi khá ấn tượng vì quy mô cũng như văn hóa đón Giáng sinh của người Công giáo. Tôi nhận thấy điểm chung của bạn đời và những người theo đạo mà mình gặp là đều cư xử chuẩn mực, hòa đồng".

Anh Vũ Ngọc Minh Hiếu (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) nhận bằng tốt nghiệp sau khi theo học Giáo lý

Từ khi theo đạo Công giáo, anh Hiếu duy trì thói quen đi lễ và cầu nguyện hàng tuần. Năm nay, anh cũng tất bật trang hoàng nhà cửa để trang trí Noel, tham dự thánh lễ,...

“Ở quê tôi vào mỗi dịp Giáng sinh, nhà nào cũng tổ chức ăn uống mừng lễ nên vợ chồng tôi cũng lên lịch trình, sắp xếp công việc về nhà đón lễ bởi người Công giáo chúng tôi thường quan niệm Giáng sinh vui như Tết đoàn viên” - anh Hiếu nói thêm.

Chia sẻ về sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây trong dịp Giáng sinh, anh Hiếu cho biết nếu biểu tượng Noel của phương Tây là cây thông Noel rực rỡ ánh đèn thì ở Việt Nam, hang đá và ngôi sao lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Gần tới Giáng sinh (khoảng nửa tháng đến 1 tháng), gia chủ sẽ treo ngôi sao to, sáng trước cửa nhà như lời thông báo gia đình có tin vui.

“Những thanh niên trong giáo họ cũng rục rịch làm hang đá bằng cách tạo hình từ những bao xi măng, phun sơn xám đen, sau đó trang trí trước đêm Noel hơn 1 tháng” - anh Hiếu chia sẻ.

Hình tượng trung tâm cũng có nhiều điểm khác biệt. Nếu phương Tây nổi bật với hình ảnh ông già Noel râu trắng, mặc trang phục đỏ thì ở Việt Nam, Chúa Hài Đồng là biểu tượng.

Về trang phục, người phương Tây thường chọn những bộ đồ ông già Noel đỏ rực hoặc những bộ quần áo ấm áp; còn người Việt Nam, dù trời lạnh thì người Công giáo vẫn ưu ái áo dài truyền thống trong những dịp lễ trọng đại như Giáng sinh.

Dưới ánh sáng lung linh của cây thông Noel và âm thanh rộn ràng của những bài hát Giáng sinh, mọi người cùng nhìn lại một năm đã qua. Hơn cả một ngày lễ, Giáng sinh nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự sẻ chia và tình cảm chân thành, giúp mọi người gần nhau hơn, tạo nên những kỷ niệm đẹp khó quên./.

Thi Mỹ - Ngọc Hân - Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết