Tiếng Việt | English

18/06/2022 - 20:35

Vận dụng UNCLOS 1982 để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đóng vai trò quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế, giúp khẳng định chủ quyền trên biển của các quốc gia.

Đội tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Trị neo đậu tại Khu neo đậu Bắc Cửa Việt. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) và 10 năm Luật Biển Việt Nam, ngày 18/6, Ban Tuyên giáo Trung ương và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức thực hiện chương trình Tọa đàm với chủ đề “Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển.”

Đặt nền móng thiết lập một trật tự quốc tế mới trên biển

Đề cập đến ý nghĩa, giá trị của UNCLOS, các vị khách mời nhấn mạnh ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế, đó là sự ra đời của một văn kiện được coi như bản Hiến pháp của biển và đại dương, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tiếp theo đó, ngày 16/11/1994, UNCLOS 1982 bắt đầu có hiệu lực.

Sau 4 thập kỷ ra đời, UNCLOS 1982 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Đến nay đã có 167 quốc gia tham gia Công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đóng vai trò quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế, giúp khẳng định chủ quyền trên biển của các quốc gia, từ đó góp phần gìn giữ môi trường biển, an toàn và hòa bình.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027), Công ước Luật biển năm 1982 là Hiến pháp đại dương bao gồm rất nhiều các điều khoản, bao trùm tất cả các lĩnh vực của Luật biển quốc tế.

“Công ước đã tạo nền móng để thiết lập một trật tự quốc tế mới trên biển và cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Đây là Công ước lần đầu tiên xác định tất cả các vùng biển ở trên thế giới,” ông Nguyễn Hồng Thao nói.

Công ước cũng đưa ra những quy định chung về bảo tồn tài nguyên, phát triển tài nguyên một cách bền vững và điều chỉnh tất cả những hoạt động trên biển, bao gồm nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp dưới đáy biển...

Cùng với đó, Công ước cũng là hiến chương, điều lệ cho việc thành lập ra tất cả những tổ chức quốc tế lớn về biển như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa - cơ quan quyền lực về đáy đại dương. Đặc biệt, Công ước cũng  ra cơ chế để giải quyết những tranh chấp về biển.

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ làm rõ thêm ý nghĩa, giá trị của UNCLOS. Công ước này không chỉ là thiết lập và xác lập trật tự pháp lý trên biển mà còn đưa ra những khái niệm rất mới như đường cơ sở, những vùng đặc quyền và nhiều khái niệm khác.

“Công ước đã chấm dứt tình trạng lộn xộn, tranh chấp và từ nay mở ra một hành lang pháp lý mới để các quốc gia có thể dựa vào đấy để bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển và đại dương,” Tiến sỹ Trần Công Trục nhấn mạnh.

Tham gia chương trình qua hình thức video, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về UNCLOS 1982 cũng như Luật biển quốc tế, thuộc Đại học New South Wales, Australia cũng cho rằng: “Điểm đặc trưng duy nhất chỉ có ở UNCLOS, đó là nó đã thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nếu hai bên xảy ra tranh chấp, họ có thể viện dẫn UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Và quan trọng nhất, đây là một thỏa thuận trọn gói. Có nghĩa là khi bạn đã ký vào công ước, bạn không thể lựa chọn những phần bạn muốn tham gia. Bạn phải tuân thủ tất cả các quy định. Nếu chúng ta thực sự muốn một trật tự dựa trên luật lệ, hãy khiến UNCLOS giống như một trọng tài và khi đưa ra một thẻ đỏ, cầu thủ phải rời khỏi sân.”

Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần vững vàng trong việc duy trì quy định pháp lý trên các đại dương như UNCLOS đã thiết lập. Các quốc gia đều phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của Công ước.

“Muốn duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian biển, phải áp dụng UNCLOS. Đó là áp dụng theo cách mà đại đa số các nước trên thế giới đồng ý. Cho nên, UNCLOS có vai trò ngày càng quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, an ninh trên biển, đối với việc khai thác biển một cách bền vững, vì lợi ích của từng nước và vì lợi ích của tất cả," Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.

Để Việt Nam tiến ra biển, trở thành quốc gia mạnh từ biển

Nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia biển, có bờ biển dài hơn 3.260 km, với 4000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời có đến 28 tỉnh, thành phố/63 tỉnh, thành phố giáp biển, có nhiều lợi ích gắn liền với biển, các vị khách mời cho biết nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đảo, Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình đàm phán xây dựng UNCLOS.

Cá ngừ đại dương được sơ chế trước khi ướp lạnh. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chỉ hai năm sau, Việt Nam đã cử đoàn cán bộ tham dự các hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển và tiếp thu những tinh thần của dự thảo văn kiện của UNCLOS.

Điều nay đã góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, ngày 12/5/1977.

Tiếp sau đó, đến khi Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012, chúng ta đã có tới có hơn 500 văn bản pháp quy ở Trung ương và địa phương liên quan đến quản lý Nhà nước về biển đảo.

“Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên mà sau này đã được khẳng định trong Luật Biển năm 2012, giúp chúng ta có cơ sở pháp lý phù hợp với Luật Biển quốc tế để tiến ra biển, trở thành quốc gia mạnh từ biển”, ông Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh.

Sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS.

Bằng việc phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam đã tỏ rõ ý chí thực hiện các quyền trong các giới hạn cho phép của UNCLOS, có tính đến quyền tự do của các quốc gia khác.

Đề cập đến Luật Biển Việt Nam, các vị khách mời đã khẳng định việc trở thành thành viên UNCLOS đòi hỏi Việt Nam phải có một đạo luật riêng và tổng thể về biển.

Trong bối cảnh đó, ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển đảo nói riêng.

Theo ông Nguyễn Chu Hồi (đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam), Luật Biển Việt Nam 2012 có một quá trình chuẩn bị khá lâu dài, trên tinh thần chúng ta tuân thủ và vận dụng một cách tốt nhất UNCLOS, kết hợp lợi ích quốc gia và nhiệm vụ quốc tế đối với những quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc vào hoàn cảnh Việt Nam, thể hiện trong tinh thần và những quy định cụ thể của Luật Biển Việt Nam 2012.

Trong phần thảo luận của mình, các vị khách mời đã đưa ra những kiến giải, và những đề xuất để Việt Nam phát huy giá trị của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đó là đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh và tầm nhìn đến năm 2045 là Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.

Theo đó, các vị khách mời nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế biển, du lịch biển gắn chặt với bảo vệ bền vững môi trường biển; xác định rõ và đầu tư trọng điểm vào các ngành kinh tế biển mũi nhọn; ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý, phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết