(Ảnh: TTXVN)
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ứng dụng thành công kỹ thuật Hybrid trong bệnh tim bẩm sinh phức tạp, để điều trị cho một bệnh nhi hơn 5 tháng tuổi, mắc bệnh thông liên thất lớn phần cơ-tăng áp lực động mạch phổi rất nặng.
Đó là bé gái Ngô Bảo T sinh vào cuối tháng 1/2020. Ngay sau khi sinh, bé đã bị viêm phổi nặng kéo dài và được các bác sỹ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An phát hiện ra bệnh thông liên thất rất lớn phần cơ sát mỏm (10-12mm), không có khả năng điều trị bằng các phẫu thuật (mổ tim hở) hay can thiệp (bít dù) thông thường.
Hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn, nên bệnh nhi đã được hội chẩn nhiều lần và quyết định chuyển ra Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào đầu tháng 7/2020 để tìm hướng điều trị cũng như nguồn hỗ trợ kinh phí từ chương trình Trái tim cho em.
Sau khi làm các thăm dò chuyên sâu, chẩn đoán cuối cùng của các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh nhi mắc “Thông liên thất lớn vùng cơ - kích thước 10mm, shunt 2 chiều, chênh áp rất thấp, thất trái giãn (Dd 31mm), chức năng tim còn bù (EF 64%), tăng áp lực động mạch phổi rất nặng (70mmHg), thân và 2 nhánh động mạch phổi giãn lớn, suy dinh dưỡng và chậm lớn (4kg).”
Nếu không can thiệp gì để đóng lỗ thông liên thất ngay thì bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển đến giai đoạn cuối.
Tuy nhiên không thể thực hiện được bằng giải pháp phẫu thuật tim hở thông thường vì vị trí lỗ thông ở khu vực rất khó tiếp cận.
Cũng không thể can thiệp bít lỗ thông qua da, do khó đưa dụng cụ vào vị trí lỗ thông và nguy cơ gây sang chấn nặng các mạch máu dẫn đường ở trẻ nhỏ.
Sau khi hội chẩn kỹ, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực đã can đảm lựa chọn kỹ thuật Hybrid để điều trị cho bệnh nhi, mặc dù rất khó khăn nhưng là giải pháp trọn vẹn nhất.
Kỹ thuật Hybrid trong tim mạch được hiểu là sự hết hợp điều trị bệnh cùng lúc bằng 2 kỹ thuật cao là “phẫu thuật tim mạch” và “can thiệp tim mạch,” để điều trị các bệnh rất phức tạp mà 1 trong 2 kỹ thuật cao này không thể giải quyết tốt được.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở y tế có đơn vị điều trị Hybrid đầu tiên của Việt Nam về bệnh tim mạch từ năm 2012, với kinh nghiệm thành công của hàng trăm ca bệnh rất nặng như bệnh lý động mạch chủ, bệnh mạch ngoại vi.
Tuy nhiên, đối với bệnh tim bẩm sinh, do đặc điểm bệnh lý nên cơ hội để chỉ định kỹ thuật Hybrid lại rất ít, cả nước chỉ có vài bệnh viện lớn thực hiện được một số ít ca bệnh ở trẻ tương đối lớn.
Ca phẫu thuật-can thiệp (Hybrid) cho bé Ngô Bảo T được thực hiện vào sáng 17/7/2020 tại phòng mổ Hybrid của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau khi gây mê toàn thân, kíp phẫu thuật đã tiến hành mở xương ức, bộc lộ mặt trước thất phải và chuẩn bị vị trí để đưa dụng cụ can thiệp vào tim.
Kíp can thiệp tiến hành đặt ống thông tim vào buồng thất trái để chụp buồng tim, chọc kim trực tiếp vào vị trí thất phải đã chọn trước, đưa dây dẫn qua lỗ thông liên thất sang thất trái và lên động mạch chủ, luồn dụng cụ đóng ống động mạch (loại dù lớn 18x20mm) theo dây dẫn qua bên thất trái, rồi khéo léo thả từng cánh dù để đóng kín lỗ thông liên thất.
Đánh giá kết quả bằng chụp buồng tim và siêu âm tim trong ngực. Các dụng cụ và dây dẫn được tháo bỏ. Kíp phẫu thuật tiến hành cầm máu và đóng lại xương ức.
Do tăng áp lực động mạch phổi nặng và suy dinh dưỡng nên giai đoạn hậu phẫu khá vất vả. Bệnh nhi được rút máy thở sau mổ 7 ngày và ra viện sau đó 2 tuần vào ngày 6/8/2020, với mức chi phí chỉ bằng một ca mổ tim thông thường. Khám kiểm tra sau 10 ngày cho kết quả tốt.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, đây là ca Hybrid cho bệnh tim bẩm sinh thứ 2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và là ca bệnh nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam - khi cháu bé mới 5 tháng tuổi được chữa bệnh bằng kỹ thuật đặc biệt này./.
Theo TTXVN