Tiếng Việt | English

25/07/2018 - 20:29

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) thuận lợi hơn trong công tác quản lý, giải quyết các hồ sơ liên quan đến đất đai, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của người dân

Hiện nay, tỉnh Long An có 2 mô hình và thông qua 2 phần mềm để theo dõi, quản lý: Phần mềm một cửa, một cửa điện tử tại các huyện (chuyên theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan liên quan, trong đó có quản lý về đất đai); phần mềm chuyên ngành quản lý đất đai VILIS (chuyên về quản lý cơ sở dữ liệu của ngành quản lý đất đai). Văn phòng ĐKĐĐ triển khai kết nối 2 phần mềm trong toàn hệ thống. Huyện Châu Thành được áp dụng thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8/2017. Đến nay, triển khai vận hành trên 15 đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối tháng 6/2018, Văn phòng đăng ký đất đai giải quyết 1.300/1.415 hồ sơ tiếp nhận.

Theo Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh - Phạm Tùng Chinh, việc kết nối 2 phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho toàn hệ thống. Khi hồ sơ tiếp nhận từ phần mềm một cửa, một cửa điện tử sẽ được cập nhật trực tiếp sang phần mềm VILIS, chuyên viên chi nhánh chỉ sử dụng duy nhất phần mềm VILIS để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Chuyên viên tại các chi nhánh thực hiện luân chuyển hồ sơ trực tiếp trên phần mềm VILIS và được cập nhật sang phần mềm một cửa, một cửa điện tử, không như trước đây phải vận hành 2 phần mềm cùng lúc.

Bên cạnh đó, lãnh đạo, chuyên viên thuận lợi theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết, luân chuyển của từng biên nhận và từng loại thủ tục, hồ sơ. Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh theo dõi được số lượng hồ sơ chuyển đến từ các chi nhánh và có hướng tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường ký giấy chứng nhận trong thời gian nhanh nhất; tổng hợp số lượng giải quyết hồ sơ đúng hạn, trễ hạn tại từng địa phương và nguyên nhân của từng hồ sơ để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, chuyên viên Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ dễ dàng, nhanh chóng tổng hợp chính xác thông qua cơ sở dữ liệu để truy xuất báo cáo hàng tháng. Ngoài ra, chuyên viên thuận lợi thiết lập, in ấn các mẫu biểu, giảm thời gian xử lý thủ công, tăng độ chính xác khi tham mưu ban giám đốc chi nhánh. Từ đó, giúp giảm tỷ lệ sai sót cho ngành tài nguyên và môi trường.

“Hiện, chúng tôi vận hành tương đối thuận lợi trong toàn hệ thống và tiếp tục nghiên cứu để đưa ra nhiều giải pháp sát với thực tế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn” - ông Phạm Tùng Chinh cho biết thêm./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết