Tiếng Việt | English

23/11/2021 - 10:52

Tuyên truyền pháp luật cho người lao động

Thời gian qua, cùng với bảo vệ, chăm lo đời sống người lao động (NLĐ), các ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh Long An chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho công nhân, viên chức, LĐ, nhất là công nhân (CN), LĐ trong các doanh nghiệp (DN). Qua đó, giúp NLĐ nâng cao hiểu biết về pháp luật, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Một cuộc tuyên truyền tư vấn pháp luật tại huyện Cần Giuộc

Chị Minh Thư (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ, trước đây, chị có thời gian làm việc 7 năm tại một DN tư nhân. Chị tham gia đóng bảo hiểm xã hội liên tục nhưng khi xin thôi việc lại không được thanh toán bất cứ một khoản gì ngoài tiền lương trong thời gian chị đã làm việc ở đó. Do không hiểu rõ quyền lợi mình được hưởng nên chị cũng không thắc mắc, đòi hỏi gì. Đến khi được dự cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại một DN khác, chị mới biết, khi NLĐ đã làm việc thường xuyên trong DN đủ 12 tháng trở lên và chấm dứt hợp đồng LĐ đúng pháp luật thì người sử dụng LĐ phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương (nếu có).

Những năm gần đây, các cấp Công đoàn, ngành LĐ - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp, tuyên truyền, tư vấn pháp luật nhằm cập nhật những điểm mới bổ sung, sửa đổi của các luật, qua đó nâng cao kiến thức cho công đoàn viên của cơ quan, đơn vị, DN thực hiện đúng theo các quy định pháp luật.

Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNLĐ góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật để NLĐ biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ LĐ, góp phần xây dựng hình ảnh người CN văn hóa, có nếp sống lành mạnh, không vi phạm các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của DN, địa phương.

Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được triển khai nhanh chóng (Ảnh: Công nhân trên địa bàn tỉnh làm việc)

Ngành LĐ - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn LĐ tỉnh, các địa phương, DN trong tỉnh phối hợp, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, tư vấn pháp luật về LĐ cho CNLĐ. Tại đây, nhiều nội dung về các văn bản quy phạm pháp luật; quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ, nhất là những điểm mới của Bộ luật LĐ năm 2019,... được CNLĐ quan tâm.

Bên cạnh đó, vấn đề về bảo hiểm xã hội lúc nào cũng thu hút CNLĐ. Nội dung này thường liên quan đến: Đối tượng, mức đóng, tỷ lệ đóng; vấn đề quản lý đối tượng; quy định về truy thu, tính lãi; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; các chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là những quy định về tiền lương và những điểm mới có liên quan trực tiếp đến NLĐ và người sử dụng LĐ, cụ thể: Hợp đồng LĐ, thời gian nghỉ ngơi, thời gian nghỉ thai sản của LĐ nữ, tai nạn LĐ, bệnh nghề nhiệp, độ tuổi hưu của từng nhóm LĐ cụ thể,...

Gần đây, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 23, chỉ trong thời gian ngắn, ngành LĐ - Thương binh và Xã hội tham mưu, có sự phối hợp các đơn vị nhanh chóng triển khai để hỗ trợ chính xác, kịp thời đối với NLĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. “Chúng tôi liên tục nhận điện thoại từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thắc mắc về Nghị quyết 68. Chúng tôi giải đáp, hướng dẫn tận tình để NLĐ, người sử dụng LĐ làm thủ tục, hồ sơ kịp thời để hưởng chính sách hỗ trợ, có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh và cải thiện một phần cuộc sống khó khăn khi dịch bệnh xảy ra” - ông Tánh nói.

Theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, người sử dụng LĐ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%; thời hạn vay dưới 12 tháng. Ngay sau khi có chủ trương, chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, Sở LĐ - Thương binh và Xã hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người sử dụng LĐ; bên cạnh đó, nhanh chóng xử lý hồ sơ, xác nhận danh sách NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay.

Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại SMC Long An, thuộc Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) là DN sản xuất bêtông, các sản phẩm từ xi măng và thạch cao. Theo lãnh đạo công ty, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Khi có chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, công ty làm hồ sơ và được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cần Giuộc giải ngân số tiền trên 400 triệu đồng để trả lương cho 52 LĐ. Từ đó, giúp công ty giải quyết một phần khó khăn.

Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về LĐ góp phần trang bị cho đoàn viên Công đoàn, NLĐ, DN,... những kiến thức để có thể tự bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết