Tiếng Việt | English

09/05/2018 - 01:05

Tuổi trẻ Long An tự hào tiếp bước truyền thống

Những chuyến du khảo Về nguồn, hành trình đến với “địa chỉ đỏ”, chăm sóc nhà bia liệt sĩ, thăm mẹ Việt Nam hùng, những người có công với nước,… là những việc làm thường xuyên của tuổi trẻ Long An.

Ký ức về “địa ngục trần gian”

Tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Vương, tự là Bảy Vô, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Trụ và được biết đến Hồi ký trong tù của ông. Đó là câu chuyện dài với cả hành trình gian khó của một cựu tù chính trị bị giam giữ suốt 14 năm tại nhà tù Côn Đảo. Trải qua biết bao đòn roi, sự tra tấn, hành hạ bạo tàn của địch, ông Bảy vẫn một lòng kiên trung với Ðảng, với cách mạng.

Ông Bảy hiện bước sang tuổi 94, chân đi không vững, đôi mắt mờ, tai không còn nghe rõ nữa nhưng những ký ức về những ngày tháng bị giam cầm nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Ông Bảy tham gia kháng chiến năm 1945, năm 1958, ông làm Bí thư Huyện ủy Tân Trụ. Đến năm 1959, Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn kêu án ông 15 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Lê Thị Cẩm Tú trò chuyện cùng ông Bảy

Hướng đôi mắt xa xăm, ông Bảy chậm rãi: “7 giờ sáng, chúng tôi - những cựu tù chính trị bị đày ra Côn Đảo. Hai bên đường, bọn giám thị, cai ngục, lính bảo an và hàng trăm bọn trật tự cầm gậy tre liên tục chửi, đánh. Đây là Côn Sơn không phải đất liền, nghe lời thì yên thân, cứng đầu là đi Hàng Dương (Hàng Dương là nơi chôn cất chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, hy sinh)”.

Từ đó, ông bắt đầu những ngày tháng lao động khổ sai quá sức. Người tù bị cùm chân, nằm dưới nền xi măng ẩm ướt, bị tra tấn, ăn toàn gạo đỏ, nấm đắng, khô mục. Họ không còn sức, muốn di chuyển phải bò lết. Người bị bệnh, già yếu, tật nguyền không được chữa trị, nhiều công trình xây dựng tại đây giết chết biết bao chiến sĩ cách mạng!

Thế nhưng, trên đảo vẫn có tổ chức Đảng lãnh đạo rất chặt chẽ. Ông Bảy nhờ quen biết với một số đồng đội khác, từng tham gia chiến đấu trước đây nên họ hợp lại thành lập một số chi bộ cơ sở. Các đồng chí thề quyết tử, đấu tranh giữ vững khí tiết. Sau khi quân địch liên tục thua trận và Hiệp định Pari được ký kết vào năm 1973, cùng với một số cựu tù, ông Bảy được trả tự do.

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ ngày nay, ông Bảy trăn trở, hiện nay, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng thanh niên phải rèn luyện, học tập nâng cao trình độ để không bị tụt hậu. Đồng thời, những người làm cán bộ đoàn cần có lòng nhiệt huyết, kế hoạch, mô hình để hướng dẫn, hỗ trợ, giáo dục và tập hợp thanh niên.

Giáo dục truyền thống thanh niên

Thời gian qua, đoàn thanh niên tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Huyện đoàn Cần Giuộc là một trong những đơn vị làm tốt hoạt động này.

Khởi công xây dựng nhà tình bạn

Bí thư Huyện đoàn-Trần Hải Phú thông tin, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, đoàn thanh niên từ huyện đến cơ sở đều có những việc làm hay, ý nghĩa. Gần đây, Đoàn trường THPT Đông Thạnh tổ chức cho đoàn viên học sinh tham gia hành trình về “địa chỉ đỏ” tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện; tổ chức thăm, tặng quà, nấu bữa cơm gia đình tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng. Đoàn trường THPT Cần Giuộc phối hợp Chi đoàn Công an huyện vận động hỗ trợ 50 triệu đồng, khởi công xây dựng nhà tình bạn cho thanh niên Phan Đình Hoàng, bộ đội xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở ngụ ấp Tây, xã Đông Thạnh. Ngoài ra, Đoàn trường tổ chức thăm, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức giải bóng đá nam, hội thi tìm hiểu kiến thức lịch sử địa phương, tuyên truyền ca khúc cách mạng. Bên cạnh đó, các Đoàn xã Đông Thạnh, Tân Tập, Long Thượng, Mỹ Lộc tổ chức ra quân vệ sinh môi trường: Cắt cỏ, thu gom rác dọc các tuyến đường, chặt tỉa cây che khuất tầm nhìn, khơi thông dòng chảy, xóa biển quảng cáo trái phép, tuyên truyền người dân phân loại xử lý rác tại nguồn… nhằm tạo cảnh quang môi trường xanh, sạch, đẹp. Song song đó, Huyện đoàn tổ chức cho đoàn viên dọn vệ sinh khuôn viên nghĩa trang, các khu di tích, nhà lưu niệm do huyện đoàn nhận lãnh chăm sóc,...

Đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Phó Bí thư Tỉnh đoàn-Lê Thị Cẩm Tú cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu nhi, đoàn thanh niên các cấp xây dựng, triển khai thông qua nhiều hình thức tuyên truyền: Tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, giao lưu với nhân chứng lịch sử, hành trình về với “địa chỉ đỏ”, các cuộc thi tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, diễn đàn “tôi yêu Tổ quốc tôi”, “tự hào thế hệ Hồ Chí Minh”,…

Ngoài ra, đoàn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn như chăm sóc các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;… Nổi bật là các cấp bộ đoàn tổ chức nhiều chuyến Về nguồn tại các khu di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh. Vừa qua, Tỉnh đoàn tổ chức chuyến hành trình về thăm nhà tù Côn Đảo,… Chuyến đi này giúp cán bộ, công chức, đoàn viên của cơ quan Tỉnh đoàn nhận thức rõ hơn về tinh thần bất khuất, trung kiên của các chiến sĩ cách mạng “thà hy sinh thân mình chứ không chịu khuất phục dưới đòn roi, tra tấn tàn ác của chế độ thực dân, đế quốc”. Sau chuyến hành trình này, chi bộ Tỉnh đoàn sẽ tổ chức các buổi tọa đàm về gương các anh hùng trẻ tuổi. Từ đó, để cán bộ, đoàn viên, đảng viên cơ quan đề ra những phương hướng phấn đấu cho bản thân trong thời gian tới./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết