Tiếng Việt | English

03/06/2017 - 13:07

Tự “soi mình” để hoàn thiện bản thân

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà không nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa là một Đảng hỏng”. Do đó, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hơn, mỗi cán bộ, đảng viên (CBÐV) cần tự “soi mình” để sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 3, TP.Tân An - Trần Văn Đon

Hiện nay, không ít CBÐV, nhất là ÐV trẻ còn lười và chưa nghiêm túc trong việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một ít nơi, việc tự phê bình và phê bình, đánh giá CBÐV không khéo léo, chưa mang tính xây dựng dẫn đến hiệu quả chưa cao, gây mất đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ CBÐV có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không làm tròn vai trò, nhiệm vụ được giao, làm mất uy tín và giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương. Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đó, mỗi CBÐV cần thực hiện tốt những giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của CBÐV, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, khắc phục tình trạng nói suông, nói không đi đôi với làm; là hạt nhân quy tụ quần chúng, thật sự là tấm gương cho CB, quần chúng noi theo.

Ông Nguyễn Sơn - cán bộ hưu trí, ngụ ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức

Những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận CBÐV hiện nay trước hết là phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút ý chí chiến đấu. Trong phê bình vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Một số CBÐV, nhất là người đứng đầu, có biểu hiện duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác. Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng trên là do bản thân CBÐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường, tư tưởng không vững vàng nên dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân, gây ra những việc làm tổn hại đến Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBÐV, làm sao phải thật sự đưa nội dung này đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động cụ thể. Đồng thời, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo điều kiện cho mỗi CBÐV bày tỏ chính kiến,
quan điểm của mình, tránh tình trạng trù dập, phe nhóm trong tổ chức và sinh hoạt Đảng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thủ Thừa - Nguyễn Văn Hai

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từng nhóm đối tượng có những biểu hiện khác nhau, trong đó, nhóm đối tượng CBÐV trẻ thường kén chọn vị trí công tác, có lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhóm đối tượng là CBÐV lớn tuổi thường có tư tưởng công thần “sống lâu lên lão làng”, từ đó bảo thủ, cục bộ, không tiếp thu ý kiến đóng góp khi mắc khuyết điểm, sai phạm; nhóm đối tượng là CBÐV có chức, có quyền thường che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, quan liêu, hách dịch, “hành dân” hơn là phục vụ nhân dân;… Từ những biểu hiện trên, để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng hiệu quả, trước hết cần mạnh dạn đổi mới công tác CB, đánh giá đúng thực chất, tạo cơ hội bình đẳng cho những người có đức, có tài tham gia thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền. Công khai, minh bạch trong công tác CB, hoạt động của chính quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh tế, ngân sách,… Ngoài ra, cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật trong Đảng, với phương châm “kịp thời, chính xác, công tâm, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm”; qua đó, nâng cao sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Tỉnh đoàn - Trần Gia:

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ CBÐV vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từ đó, dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng, đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng. Bên cạnh đó, không ít CBÐV, nhất là CBÐV trẻ, thường có tâm lý rụt rè, chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình cũng như bày tỏ chính kiến trong các cuộc họp của tổ chức Ðảng, cơ quan, đơn vị. Để khắc phục tình trạng trên, các tổ chức Ðảng cần đổi mới nội dung, phương pháp truyền đạt, giáo dục về tư tưởng chính trị; tạo điều kiện, khuyến khích CBÐV trẻ mạnh dạn phát biểu, dám nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự việc. Bản thân mỗi CBÐV phải tự giác học tập, rèn luyện, nắm vững các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, từ đó, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ông Bùi Mạnh Quyết, ngụ ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa:

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhận định, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CBÐV chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiếp tay cho các thế lực xấu, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do việc học tập lý luận chính trị, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của CBÐV chưa được chú trọng đúng mức. Một bộ phận không nhỏ CBÐV còn thờ ơ, ngại tham gia, thậm chí trốn tránh học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Mặt khác, việc thực hiện quy chế dân chủ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng, tập trung vào số ÐV có chức vụ. Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả cao, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những ÐV vi phạm việc học tập lý luận chính trị, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, xem đây là tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với ÐV và tổ chức Đảng. Đồng thời, công khai, minh bạch mọi chủ trương, chính sách, dự án, công trình,... để các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cùng tham gia giám sát, tránh xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng./.

Kỳ Nam ghi

 

Chia sẻ bài viết