Tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa
Mốc son chói lọi
Ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy và Đảng bộ, quân khởi nghĩa và quần chúng cách mạng ở Tân An - Chợ Lớn vùng dậy, góp phần cùng cả Nam kỳ làm rung chuyển từng mảng lớn chính quyền địch ở cơ sở mà thực dân Pháp và tay sai dày công tạo dựng ngót 80 năm. Tuy nhiên, do thời cơ chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng tạo được tiếng vang lớn, không những trong nước mà còn làm nức lòng cả những chiến sĩ cách mạng Pháp. "Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực cho các dân tộc Đông Dương".
Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, toàn tỉnh Tân An - Chợ Lớn có 94/128 làng thực hiện kế hoạch cướp chính quyền và tham gia hưởng ứng khởi nghĩa với nhiều hình thức khác, tiến đánh 12 đồn bót, chiếm và đốt phá 37 nhà việc, ngăn lộ, phá cầu ở 21 địa điểm, thu 52 súng, trừng trị 49 tên ác ôn, tay sai. Ở các huyện: Đức Hòa, Trung Quận, Mộc Hóa, Cần Giuộc, diễn ra nhiều vụ trừng trị ác ôn: Diệt tên Hương quản Nên khét tiếng gian ác tại Giồng Cám; nghĩa quân Bến Lức đâm tên Hương quản Kiên trọng thương; thủ tiêu Hương quản Tuấn, Hương hào Ngà trên sông Cần Giuộc;...
Từ cuộc khởi nghĩa, xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, bất khuất, kiên cường chiến đấu, hy sinh oanh liệt trước pháp trường, như các đồng chí: Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Văn Nhâm, Lê Văn Lao, Võ Văn Siêng, Nguyễn Văn Dương, Lê Công Phép,... Ngày 14/4/1948, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho “Đội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940, nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”, như một sự khẳng định tinh thần bất diệt của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
Di tích lịch sử Giồng Cám - nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và tay sai trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940 đi vào lịch sử như mốc son chói lọi nhất của dân tộc trên con đường cởi ách nô lệ. 77 năm trôi qua nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt, ý chí quật cường của đồng bào và chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa ấy vẫn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. |
Hàn gắn “vết thương”
Sau khi khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp và tay sai khủng bố, đàn áp vô cùng dã man. Chỉ trong hơn 1 tháng, địch lập 11 điểm xử bắn, tàn sát ít nhất 186 người. Hàng ngàn chiến sĩ và quần chúng cách mạng bị đem phơi nắng trên sông Sài Gòn, bị đày đi Tà Lài, Bà Rá, Côn Đảo,... Ở làng Đức Hòa, sáng ngày 24/11/1940, với sự chỉ điểm của bọn tay sai, địch tổ chức càn quét quy mô lớn, đốt hơn 40 ngôi nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách tại Giồng Cám (nay thuộc ấp Bình Hữu 1, xã Đức Hòa Thượng).
Trở lại Đức Hòa, vùng đất được xem là nơi ác liệt nhất diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở Tân An - Chợ Lớn. Đến tận ngày nay, những nhân chứng sống trong giai đoạn ấy vẫn không thể quên được hành động mạn rợ mà kẻ thù gây ra cho quân khởi nghĩa và nhân dân nơi đây. Ông Ngô Văn Đức (SN 1929), ngụ ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, bồi hồi nhớ lại: “Bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp, bắt bớ, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác phải di tản qua khu vực khác. Chúng đốt nhà, giết người, tội ác không sao kể xiết. Đau lòng nhất là gia đình ông Huỳnh Văn Một (ngụ ấp Bình Hữu 1), 7 người bị giết trong 1 ngày, 18 người khác bị giết vùi xác chung một chỗ”.
Dù chịu bao mất mát, đau thương nhưng người dân Đức Hòa Thượng nói riêng và người dân Long An nói chung vẫn kiên cường bám đất, giữ làng, chiến đấu đến ngày giành được thắng lợi. Đất nước được giải phóng, giành lại độc lập, tự do, cùng với nhân dân trong tỉnh, người dân Đức Hòa Thượng nỗ lực hàn gắn “vết thương chiến tranh”, góp sức xây dựng quê hương. Xã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994. Năm 2016, xã được công nhận danh hiệu nông thôn mới - xã văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim thông tin: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân nơi đây luôn nỗ lực vượt qua khó khăn. Các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đều có sự chung tay, góp sức của nhân dân. Bộ mặt nông thôn càng thêm đổi mới với hệ thống trường học khang trang, trạm y tế, nhà văn hóa ấp, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, sửa chữa đạt chuẩn. Đến nay, toàn xã chỉ còn 52 hộ nghèo (chiếm 1,23%), thu nhập bình quân đầu người hơn 31 triệu đồng/năm”.
Tiếp nối truyền thống
Bên cạnh huyện Đức Hòa, trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Cần Giuộc cũng là một trong những địa phương tích cực chuẩn bị và tham gia cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ nhất ở Tân An - Chợ Lớn. Từ vùng thượng đến vùng hạ, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên, quần chúng nhân dân ở các làng: Phước Lâm, Phước Lại, Long Đức Đông, Long Hậu Tây, Đông Thạnh,... đồng loạt truy lùng tề ác, tước súng, chiếm nhà việc, đốt sổ bộ,... làm cho kẻ thù hoảng sợ bỏ trốn, bộ máy chính quyền địch ở cơ sở bị tê liệt.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đất Tân An - Chợ Lớn tại cầu Ông Chuồng, làng Phước Vĩnh Tây, quận Cần Giuộc (nay là huyện Cần Giuộc) và làng An Thạnh, quận Trung Quận (nay là huyện Bến Lức). Gắn liền với cuộc khởi nghĩa ở Cần Giuộc chính là sự lãnh đạo của “Bà Hoàng hậu đỏ” - anh hùng Nguyễn Thị Bảy. Cho đến khi bị địch bắt và kết án tử hình, bà vẫn luôn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, khiến quân thù khiếp sợ, nể phục.
“Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, Huyện đoàn tổ chức các hoạt động Về nguồn tại một số khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện: Khu Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Công viên Nguyễn Thị Bảy - Di tích Khu vực sân banh Cần Giuộc, chùa Tôn Thạnh,... nhằm giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Cùng với đó, Huyện đoàn còn tổ chức Hội thi “Em là hướng dẫn viên du lịch”, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về các khu di tích lịch sử của địa phương, qua đó giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ” - Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú cho biết.
Ngoài ra, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng được các địa phương quan tâm thực hiện tốt. Theo Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc - Huỳnh Văn Trí, xã có 22 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 115 liệt sĩ, 12 thương binh, 60 gia đình có công với cách mạng. Hàng năm, xã thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, vận động mạnh thường quân tặng quà, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp các gia đình có cuộc sống ổn định, nguôi ngoai phần nào những đau thương, mất mát.
Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940 đi vào lịch sử như mốc son chói lọi nhất của dân tộc trên con đường cởi ách nô lệ. 77 năm trôi qua nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt, ý chí quật cường của đồng bào và chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa ấy vẫn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta./.
Hồng Anh