Tiếng Việt | English

25/04/2018 - 14:52

Tự hào truyền thống lịch sử

Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, học sinh (HS) được khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, HS ý thức trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống ấy.

Học sinh Trường THPT Cần Giuộc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại địa phương

Lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh

Tại Trường THCS Tân Lân (xã Tân Lân, huyện Cần Đước), công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho HS rất được chú trọng. Theo chủ đề, chủ điểm, trường lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử cho HS thông qua các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ và hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, nhân các ngày lễ lớn trong năm, trường mời cựu chiến binh tại địa phương đến ôn lại truyền thống lịch sử cho HS. Nhờ vậy, các em hiểu hơn về một phần lịch sử của dân tộc, đồng thời biết ơn và tự hào về thế hệ cha ông đi trước.

Em Nguyễn Thị Hoàng Kim - HS lớp 8/1, chia sẻ: “Được ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc và địa phương, em rất cảm phục những người đi trước. Em muốn làm nhiều việc có ích hơn nữa để thể hiện lòng biết ơn những người đã ngã xuống vì quê hương. Bằng những việc làm vừa sức của mình, em tham gia dọn vệ sinh Bia tưởng niệm của xã Tân Lân, thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện và đặc biệt là nỗ lực học tập để góp phần giữ gìn và xây dựng đất nước”.

Bên cạnh đó, giáo viên (GV) còn lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử cho HS, đặc biệt là các môn: Văn, Giáo dục công dân, Lịch sử. Thông qua các bài học, GV nhắc nhở HS về tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị truyền thống lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Cùng với đó, chương trình giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cũng được đưa vào chương trình chính khóa.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lân - Võ Thị Hồng Nhung cho biết: “Qua giáo dục truyền thống lịch sử cho HS, các em được nuôi dưỡng lòng yêu nước, luôn ý thức về trách nhiệm của mình trong việc kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc. HS chủ động tìm kiếm thêm các tài liệu về lịch sử và tích cực tham gia các hoạt động phong trào gắn liền với giáo dục truyền thống lịch sử”.

Giáo dục thông qua các hoạt động phong trào

Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) tổ chức các hoạt động tuyên truyền về đất nước, con người và lịch sử dân tộc; tổ chức kỷ niệm và ôn lại truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước: Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,...

Ngoài ra, trường thường xuyên tổ chức cho HS tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại các “địa chỉ đỏ”: Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Vàm Nhựt Tảo. Trường còn tổ chức cho HS tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trương Văn Bang, cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình,...

Em Nguyễn Thị Tuyết Phượng - HS lớp 12A2, bộc bạch: “Được tham quan, sinh hoạt tại các di tích lịch sử, em có thêm nhiều kiến thức và cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, địa phương. Đặc biệt, các nhân vật lịch sử là những tấm gương sáng để em noi theo”.

Học sinh Trường THPT Cần Giuộc làm vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ

Trường tổ chức cho HS thi online với nội dung tìm hiểu kiến thức lịch sử địa phương; thi Rung chuông vàng với việc lồng ghép những nội dung kiến thức về chủ quyền biên giới, biển, đảo, lịch sử địa phương; cuộc thi “Em là hướng dẫn viên” với nội dung thi thuyết minh về các nhân vật, di tích lịch sử.

Bí thư Đoàn trường THPT Cần Giuộc - Phạm Lê Giang Dũng bộc bạch: “Thông qua nhiều hoạt động phong trào, HS được giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và địa phương. Từ đó, các em được hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và ra sức học tập, phấn đấu để xứng đáng với những thế hệ trước”.

Nhờ giáo dục truyền thống lịch sử, HS được vun đắp tinh thần yêu nước và càng tự hào về truyền thống lịch sử. Từ đó, mỗi HS có những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng để thể hiện lòng yêu nước của mình./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết