Tiếng Việt | English

16/04/2019 - 10:13

Tự hào nòi giống Tiên Rồng

Hàng năm, cứ vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhiều địa phương trong cả nước tổ chức lễ hội tưởng nhớ các vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được TP.HCM tổ chức trang trọng gồm phần lễ và hội với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Hướng về dất Tổ

Sáng sớm 14/4/2019 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), hàng ngàn người dân các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, người dân TP.HCM nói riêng hội tụ về Khu tưởng niệm các vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM (quận 9, TP.HCM) dự Giỗ Tổ. Càng về trưa, trời nắng gắt nhưng dòng người đổ về đây mỗi lúc một đông, mang theo lễ vật (bánh chưng, bánh dày, mâm hoa quả) thành kính dâng lên vua Hùng để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Chưa có dịp về dự Giỗ Tổ vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ nhưng năm nào, ông Nguyễn Văn Lối (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng thuê xe đưa người thân trong gia đình và hàng xóm đến Khu tưởng niệm các vua Hùng để dâng hương, dâng lễ. Theo ông Lối, truyền thống của dân tộc ta là Uống nước nhớ nguồn nên ông mong muốn nhân dịp này giáo dục con cháu phải biết ơn các bậc tiền nhân có công dựng nước.

Lễ rước kiệu “Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất Tứ Linh”

Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM là công trình kiến trúc quy mô lớn được xây dựng trên 400ha với chức năng là một công viên, điểm tham quan với chủ đề lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Khu tưởng niệm các vua Hùng có diện tích 6ha với 7 hạng mục công trình, được xây dựng theo phong cách hiện đại, phóng khoáng, mạnh mẽ của người dân Nam bộ. Cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận tập trung về đây viếng, thắp hương, thể hiện tìm cảm sâu đậm, máu thịt đối với tổ tiên, giống nòi.

Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng khơi dậy nghĩa đồng bào và sức mạnh của lòng yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm là dịp để người dân cả nước có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể hiện lòng thành kính, tri ân các vua Hùng có công dựng nước và các bậc tiền nhân vì dân giữ nước. Đây là đạo lý, cốt cách, lối ứng xử văn hóa muôn đời của những người con đất Việt” - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam quận 11, TP.HCM - Đào Thanh Long khẳng định.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Không ngại thời tiết oi bức, đông đảo người dân miền Nam, nhất là giới trẻ đến các khu công viên và điểm văn hóa trong thành phố dự nghi thức dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng cũng như vui chơi trong ngày Quốc giỗ. So với các lễ hội khác, hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương có đặc thù riêng với phần lễ “nặng” hơn phần hội. Ngoài kiệu rước lư hương, đồ cúng còn có mâm quả, trà, rượu, kiệu bánh chưng, bánh dày, thể hiện văn hóa tâm linh sâu sắc.

Nghi thức dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các vua Hùng

“Ấn tượng nhất là cuộc diễu hành rước lễ, dâng hương, dâng hoa lên Quốc Tổ Hùng Vương theo nghi thức cổ truyền. Không khí rước lễ vừa trang nghiêm, vừa sôi động, các kiệu đều được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi di chuyển ngay hàng, thẳng lối hòa cùng tiếng chiêng, trống, nhạc vang rền” - bà Nguyễn Thị Nở (quận 9, TP.HCM) bộc bạch.

Song song với các nghi lễ truyền thống, nội dung phần hội năm nay được Ban Tổ chức thiết kế khá sôi nổi: Hội trại Tự hào nòi giống Tiên Rồng lần thứ XI; Hội sách, triển lãm ảnh thư - họa - trà Việt; biểu diễn võ thuật, múa rối nước, nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian. Theo Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM, ngoài các hoạt động chính diễn ra tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, từ mùng 08 đến 10/3 âm lịch, các điểm văn hóa trong thành phố: Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Nhà văn hóa Thanh Niên,... cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, góp phần làm cho lễ hội tưởng nhớ các vua Hùng thêm long trọng, nhiều màu sắc.

Bên cạnh ra mắt Quảng trường Vua Hùng vào ngày 14/4/2019 đáp ứng yêu cầu dâng hương trong dịp Giỗ Tổ, năm nay, Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) còn phối hợp các cơ quan, ban, ngành tổ chức một số hoạt động: Hội thi làm bánh dân gian 3 miền; gói và nấu bánh chưng “Hướng về đất Tổ”; biểu diễn các bài võ nhạc Vovinam, Taekwondo, võ cổ truyền; đi cà kheo dân gian; biểu diễn Masup cũng như tái hiện nhân vật Mỵ Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh,... để chụp ảnh và giao lưu với du khách trong ngày Giỗ Quốc Tổ.

Trình diễn võ thuật truyền thống

“Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay vào ngày cuối tuần, được nghỉ bù thêm một ngày nên tôi có nhiều thời gian đưa các con đến Khu tưởng niệm các vua Hùng, Công viên văn hóa Đầm Sen vui chơi. Các con rất thích thú với nghi thức dâng cúng vua Hùng cũng như hoạt động nghệ thuật liên quan đến Giỗ Tổ” - bà Nguyễn Đức Hạnh, ngụ quận 11, TP.HCM, bộc bạch.

Tiếp bước truyền thống cha ông

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhớ lời Bác dạy, những người con đất Việt luôn tự hào, ghi nhớ công lao của tổ tiên, ra sức giữ gìn, vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Là người con thành phố mang tên Bác, bà Đậu Thị Hồng (quận 9, TP.HCM) bộc bạch: “Tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang của cha ông, chúng tôi - những người con của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và không ngừng sáng tạo để từng bước “cùng cả nước - vì cả nước” thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Hội thi làm bánh dân gian 3 miền hướng về đất Tổ

“Tự hào truyền thống lịch sử của dân tộc, chúng tôi ra sức học tập, rèn đức, luyện tài, góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực. Đặc biệt, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, chúng tôi luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tiếp tục công cuộc đổi mới, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, thực hành cần, kiệm trong công việc và cuộc sống, góp phần hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - anh Bùi Minh Tuấn (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chia sẻ.

Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm để giữ nước. Đây thật sự là ngày hội chung của toàn dân tộc, ngày mà triệu trái tim người con đất Việt dù đang sinh sống ở đâu, trong nước hay định cư ở nước ngoài cũng cùng chung nhịp đập, luôn nhớ về quê cha đất Tổ:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lúc đầu, lễ hội chính diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng  (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Sau đó, các tỉnh, thành khác cũng xây dựng các khu tưởng niệm. Năm 2007, Quốc hội chọn mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc giỗ và “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết