Tiếng Việt | English

13/02/2020 - 09:51

Từ dịch Covid-19, nghĩ về xây dựng chất lượng nông sản

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) gây ra làm giao thông hạn chế, cản trở nhiều hoạt động giao dịch, trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp đối tác 2 nước Việt Nam và Trung Quốc trong tiêu thụ nông sản dẫn đến giá thu mua sụt giảm đáng kể, trong đó có thanh long. Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, trước tác động quá lớn này, ngành nông nghiệp chắc chắn có cơ hội tái cơ cấu, chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn.

Không đủ tiêu chuẩn chuyển hướng thị trường

Tại buổi họp bàn giải pháp tiêu thụ thanh long do ảnh hưởng dịch Covid-19 giữa Sở Công Thương Long An với Sở Công Thương các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, mỗi lần được mời đi tìm giải pháp “giải cứu” nông sản, bà rất tâm tư. Trước khi đến Long An để tìm cách “giải cứu” thanh long, bà có cuộc trao đổi trước với cán bộ thuộc Sở Công Thương Long An, lượng thanh long cần “giải cứu” có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước khác ngoài Trung Quốc gần như bằng 0. Vì vậy, theo bà, cuộc “giải cứu” sản lượng tồn cho mục đích xuất khẩu của 3 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ lớn tại TP.HCM đang có tham gia xuất khẩu là Saigon Co.op, Megamarket, BigC không thành vì không thể chuyển hướng sang thị trường khác. Nếu Long An tập trung sản xuất thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc không có tiêu chí rõ ràng về chất lượng, thì mỗi khi thị trường Trung Quốc có vấn đề, cuộc “giải cứu” không mấy hiệu quả.

Phân loại, đóng gói thanh long xuất khẩu sang Nhật tại một doanh nghiệp ở huyện Châu Thành 

Theo thống kê, tại Long An, thanh long được trồng trên diện tích khoảng 11.800ha, trong đó đang cho trái trên 9.580ha, sản lượng 320.000 tấn. Thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80%, đa phần theo đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu phía Bắc. Phần còn lại tiêu thụ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, Newzealand, Ấn Độ, Úc,... và tiêu thụ trong nước. 

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An, hiện tại, thị trường xuất khẩu chính ngạch thanh long sang các nước ngoài Trung Quốc từ HTX vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do thị trường Trung Quốc quá lớn, giá thành xuất khẩu các nước khác vẫn chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều. Do đó, đối với các vườn thanh long sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ sinh học vẫn được HTX thu mua giá cao, không đến nỗi thua lỗ như nhiều nhà vườn sản xuất không tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành - Nguyễn Vạn Thành chia sẻ, hiện nay, mỗi tuần, ông vẫn xuất khẩu thanh long đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU,... từ 20-30 tấn. Ở các vườn trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính bằng đường chính ngạch, giá mua vào được ông bảo đảm đồng lời cho nông dân. Do uy tín trong quá trình giao dịch, nhiều đối tác đặt hàng tăng sản lượng giao dịch xuất khẩu nhưng ông đành từ chối trong sự tiếc rẻ. Bởi theo ông, khi đặt vấn đề với nhà vườn về sản xuất thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng họ đều từ chối với lý do bán thanh long không tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu Trung Quốc “dễ ăn”.

Trong nguy có cơ

Bà Nguyễn Thị Huyền, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, cho biết, bà có 0,2ha thanh long chuẩn bị thu hoạch. Đây không phải là vụ mùa nên phải áp dụng biện pháp xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ. Ngoài chi phí xông đèn, nông dân còn phải bón phân, xịt thuốc, vuốt ngoe,...Chính vì vậy, mỗi kilôgam thanh long nếu bán được giá trên 16.000 đồng thì nông dân mới có lãi.Tuy vậy, thời điểm này, giá thanh long còn ở mức thấp, thua lỗ hay có lời vẫn chưa biết được.Việc trồng thanh long chưa đủ chuẩn như hiện nay khá bấp bênh. Có lẽ ở những vụ tiếp theo, bà sẽ chuyển hướng canh tác theo hướng an toàn để dễ tiêu thụ. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho rằng, trong nguy có cơ, việc tiêu thụ thanh long đang gặp trở ngại lớn và kéo dài hiện nay khiến nông dân khó khăn. Mong rằng trong khó khăn này, nông dân thay đổi nhận thức, biến khó khăn thành hành động, bắt tay cùng ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất, chuyển hướng sang sản xuất nông sản sạch. Từ đó, không quá lệ thuộc vào một thị trường nhất định, dễ dàng chuyển hướng khi gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ dạng bán lẻ, chế biến sâu như sấy khô, sấy dẻo cho biết, đa số hàng hóa họ mua vào, chế biến và phân phối bán lẻ đều xét đến tiêu chí chất lượng sản phẩm. Vì vậy, về lâu dài, không chỉ thanh long mà nhiều nông sản khác phải được tính toán “đường dài” về chất lượng, cân đối lại diện tích, mở rộng khách hàng, thiết lập quan hệ lâu dài với doanh nghiệp đối tác, kêu gọi các tập đoàn kinh tế có tiềm lực về chế biến sâu để hợp tác đầu tư sản xuất và tiêu thụ./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết