Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.
“Như vậy, việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2020 kỳ thi về cơ bản giữ ổn định. Từ năm 2021-2025, kỳ thi có thể đổi mới thêm là thi trên máy tính ở nơi có điều kiện, còn lại cơ bản vẫn ổn định.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 được xây dựng dựa trên nhiều căn cứ. Trước hết là để phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; thứ hai là để phù hợp với thực tế dạy - học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Căn cứ Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được giao về cho địa phương tổ chức.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dù giao kỳ thi về cho các địa phương tổ chức, song trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn rất lớn.
“Bộ vẫn sẽ chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi”, ông Nhạ cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có liên quan đến rất nhiều Bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Giao thông, Thanh tra Chính phủ… Bởi vậy, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có lãnh đạo UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ, phó trưởng ban và các uỷ viên là đại diện của các Sở, ban ngành liên quan.
“Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi đề nghị các cấp uỷ chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro. Năm nay chúng ta làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ là tiền đề để những năm tiếp theo thực hiện ổn định, an toàn kỳ thi, chỉ bổ sung công nghệ để làm kỳ thi nhẹ nhàng hơn”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm 2020 với mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT nhưng thực tế rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Do đó, các trường ĐH, CĐ cũng cần có trách nhiệm trong kỳ thi. Dù không trực tiếp tham gia công tác chấm thi, coi thi, song các trường vẫn cần tăng cường tham gia vào công tác kiểm tra, thanh tra của kỳ thi. Đội ngũ tham gia thanh tra, kiểm tra không chỉ cần đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có đạo đức chính trị tốt, trách nhiệm, được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập huấn bài bản.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp thanh tra Bộ GD-ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD-ĐT. Lực lượng này, sẽ “phủ kín” hoạt động thanh - kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Kỳ thi cũng sẽ có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ./.
Theo VOV.VN