Tiếng Việt | English

07/03/2017 - 12:30

Trước nguy cơ dịch muỗi hành - Bài 1: "Trắng tay" do muỗi hành

Vụ lúa Đông Xuân được xem là vụ “ăn chắc” của nông dân khi năng suất lúa luôn cao, giá ổn định, chi phí vật tư ít. Thế nhưng, chưa kịp hy vọng vào vụ bội thu, hàng trăm hộ nông dân các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và một phần thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang điêu đứng trước đối tượng gây hại muỗi hành (hay còn gọi là sâu năn).

Ghi nhận đến thời điểm này, diện tích thiệt hại giảm năng suất từ 20-80% lên đến hơn 10.000ha. Đặc biệt, một số hộ đành ngậm ngùi phun thuốc cỏ diệt lúa để chuyển sang loại cây trồng khác.


Gia đình anh Nguyễn Chí Hùng, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng phải phun thuốc cỏ bỏ lúa trên cánh đồng 2,3ha nhiễm muỗi hành để chuẩn bị trồng sen

“Trắng tay” vì muỗi hành

Vụ lúa Đông Xuân 2016-2017, 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng xuống giống hơn 56.000ha. Đến thời điểm hiện tại, hơn 13.000ha lúa được thu hoạch. Giá lúa năm nay tăng hơn so với mọi năm từ 500-1.000 đồng/kg - tùy loại giống nhưng rất nhiều hộ nông dân không vui bởi năng suất năm nay nơi cao nhất cũng chỉ ước chừng 7 tấn/ha. Rất nhiều diện tích năng suất từ 1-3 tấn/ha do sâu, bệnh phá hoại gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng lương thực. Đặc biệt năm nay, số diện tích bị muỗi hành phá hoại lên đến hơn 10.000ha.

Theo chân anh Nguyễn Chí Hùng, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng thăm 2,3ha lúa của gia đình. Lúa gần thu hoạch nhưng anh đành phải dùng thuốc diệt cỏ bỏ toàn bộ. Anh ngậm ngùi cho biết: “Vụ lúa này, gia đình tôi đầu tư trên 20 triệu đồng giống, phân, thuốc cộng với hơn 20 triệu đồng tiền thuê ruộng. Khi lúa được khoảng 40 ngày tuổi, tôi ra thăm đồng thì thấy lúa “dựng cọng hành” không trổ bông. Kiểm tra toàn bộ diện tích thì mới phát hiện ra lúa nhiễm muỗi hành. Sau vài ngày, toàn bộ diện tích nhiễm lên đến 90% không thể cứu được. Gia đình chỉ còn cách phá lúa để trồng vụ sen sớm”.

Còn với hộ ông Nguyễn Đức Dính, ở ấp Sậy Giăng, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông sản xuất 1,5ha lúa, đến giai đoạn trổ nhưng gần như toàn bộ diện tích lúa bị muỗi hành phá hoại, không cho năng suất. “Lúa nhiễm muỗi hành không có thuốc gì trị được. Bị ít thì còn chăm sóc để cố vớt vát chứ từ 90% trở lên thì đến ngày thu hoạch cũng không bù lại được công chăm sóc. Gia đình tôi đành bỏ toàn bộ diện tích lúa cho bò ăn”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 10.000ha lúa bị nhiễm muỗi hành, tập trung chính vào các loại giống: OM 4900, OM 7347, Jasmin 85, TBR225 trong đợt gieo sạ lần 3 từ ngày 13 đến 23/12/2016. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất do muỗi hành tập trung tại huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Huyện Vĩnh Hưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 6.990ha lúa nhiễm muỗi hành, trong đó có 2.440ha lúa nhiễm nặng trên 50%. Còn huyện Tân Hưng với trên 2.000ha lúa bị ảnh hưởng và phân nửa số diện tích đó giảm năng suất trên 50%. Rất nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng do muỗi hành gây hại.


11ha lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Đôn, ấp Hưng Thuận, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng bị muỗi hành gây hại trên 50%

Trong nhiều năm, người dân và ngành nông nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đối tượng dịch hại muỗi hành, chỉ riêng vụ Đông Xuân năm nay, với hơn 10.000ha lúa bị muỗi hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa thực sự là con số đáng báo động. Có địa phương chủ động các biện pháp thích ứng, phòng, chống muỗi hành nhưng cũng có nơi chưa chủ động, còn xem nhẹ. Nếu không có sự chủ động, tích cực vào cuộc của các ngành, các địa phương, con số 2,8 triệu tấn lúa/năm của tỉnh liệu có đạt chỉ tiêu?

Lần đầu tiên, muỗi hành gây ảnh hưởng nặng nề

Theo Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Minh Đức, năm nay, lần đầu tiên, đối tượng muỗi hành gây hại trên diện tích lớn với ảnh hưởng nặng. Muỗi hành có từ lâu nhưng không phải là đối tượng gây hại chính cho cây lúa. Có chăng những năm trước, rất ít diện tích lúa bị nhiễm muỗi hành. Ghi nhận của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Hưng, chỉ riêng năm 2014, muỗi hành gây ảnh hưởng nhiều nhất nhưng cũng chỉ khoảng 150ha tại 2 xã Vĩnh Thuận và Vĩnh Trị, cũng không gây hại lớn, chỉ làm giảm từ 10-30% năng suất. Nhưng năm nay, muỗi hành quay trở lại và là dịch hại chính gây hại cho vụ lúa Đông Xuân 2016-2017.

Ông Nguyễn Dư, ở ấp Thái Kỳ, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng cho biết, trước đây, ông và nhiều hộ dân khác được tập huấn về công tác phòng trừ sâu, bệnh trên cây lúa, trong đó có muỗi hành. Tuy nhiên, thời gian qua, đối tượng này gây hại ít, người dân không chú ý phòng tránh nên vụ Đông Xuân này, muỗi hành gây hại nặng, nông dân trở tay không kịp. “Hiện, 4ha lúa của gia đình tôi bị muỗi hành gây hại khoảng 70%. Giờ "còn nước còn tát", cố gắng chăm sóc để thu lại phần nào đó bù chi phí”.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, trước tình hình dịch muỗi hành, với những diện tích lúa phát hiện nhiễm muỗi hành, người dân không nên phun xịt thuốc vì lúc này thuốc không còn hiệu quả với muỗi hành, quan trọng là người dân cần tập trung chăm sóc những chồi còn lại cho bông tốt, giúp giảm thiệt hại do muỗi hành./.

Kiên Định - Văn Đát
(còn tiếp)

Kỳ tới: Muỗi hành có thành dịch?

Chia sẻ bài viết