Khách hàng giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Ngày 04/01, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kết quả công tác năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018; tham quan Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm dịch vụ khách hàng và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.
Nhiều thành tích ấn tượng
Báo cáo của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho thấy đến nay cả nước có 13,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 86%, vượt 2,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) và khoảng 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 270.000 tỷ đồng; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 165 triệu lượt người.
Công tác thanh tra chuyên ngành được tăng cường, đưa tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội xuống dưới 3%-mức thấp nhất từ trước tới nay, giảm 0,8% so với năm 2016.
Ghi nhận các kết quả đạt được của ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng với những con số “biết nói”: Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290.000 tỷ đồng, vượt 1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao-con số kỷ lục, bước tiến dài sau 10 năm kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành và có hiệu lực (năm 2007). Thời điểm đó, số thu mới chỉ là 16.089 tỷ đồng.
“Năm 2017 khép lại, lần đầu tiên trong nhiều năm, nước ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội với nhiều con số ấn tượng và xác lập kỷ lục trong 10 năm gần đây. Trong thành tích chung của cả nước, Bảo hiểm xã hội đã đóng góp công sức rất xứng đáng. Ngành đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu Chính phủ giao,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho biết rất ấn tượng với kết quả cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, là một trong những đơn vị thành công nhất của Việt Nam trong năm 2017.
Ngành đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 32 thủ tục hành chính còn 28 thủ tục; đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu thông tin hộ gia đình và dữ liệu do Bảo hiểm xã hội các địa phương quản lý; cấp mã số bảo hiểm xã hội (số định danh cá nhân) cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khai trương và vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động; tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thông qua Hệ thống đã tiết giảm chi phí khám chữa bệnh 4.800 tỷ đồng.
“Cố gắng nỗ lực của các đồng chí có một thành quả chúng ta gặt hái rất ngọt ngào. Năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin,” Phó Thủ tướng ghi nhận.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội năm 2017 tăng 81 bậc so với Báo cáo năm 2016, xếp thứ 4 trong ASEAN.
Thành tích này giúp cho cả nước thăng 14 hạng trong xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu. Đây là xu hướng tất yếu trong Chính phủ điện tử, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, vừa hiện đại, chuyên nghiệp, vừa tường minh, minh bạch và văn minh.
Bảo hiểm Xã hội Phú Thọ phối hợp với ngành Y tế thực hiện liên thông dữ liệu và giám định điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Phó Thủ tướng ghi nhận Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đổi mới phương thức hoạt động, theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, đúng chính sách, chế độ, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm; mức độ hài lòng của người dân và các chủ thể tham gia vào quá trình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng lên.
Các hoạt động của Bảo hiểm xã hội đảm bảo minh bạch, công khai hơn; hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, góp phần giảm mất cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chủ động tham gia có trách nhiệm vào quá trình xây dựng đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương 7 tới đây, tổ chức công phu, có nhiều báo cáo đóng góp hoàn thiện đề án.
Bảo đảm an toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội
Đánh giá Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, biểu dương, ghi nhận các kết quả quan trọng mà ngành đạt được, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, mới đạt 28-29%; so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 21-NQ/TW (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020) là đến năm 2020 có 50% đối tượng tham gia còn rất xa.
Sau 10 năm triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến nay mới đạt con số 300.000 người. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng còn lớn, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội còn diễn ra nhiều, gian lận bảo hiểm y tế hầu như địa phương, cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có.
Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính tập trung lớn nhất ngoài ngân sách Nhà nước, là tiền đóng góp của dân, hành vi trục lợi quỹ chính là hành vi tham nhũng tài sản của dân; năm 2017 mặc dù đã ngăn chặn một bước nhưng vẫn còn hạn chế, mức độ xử phạt chưa nghiêm. Mức độ công khai hóa vi phạm để có sự lên án và giám sát của người dân là chưa được.
“Không thể để một người một năm đi khám bệnh bảo hiểm y tế 273 lần, sự tiếp tay của cơ sở khám chữa bệnh như thế nào? Vấn đề trục lợi đã ai bị cách chức chưa, trách nhiệm của ngành?” Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Nói về công tác phối hợp với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng cho rằng mối quan hệ giữa các bên phải giải quyết trên cơ sở bài toán tam giác đều, phải có sự chia sẻ với nhau, một bên là quyền lợi Nhà nước và cơ quan bảo hiểm xã hội, một bên là các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và bên thứ ba là người dân, làm sao phải hài hòa được, trên nguyên tắc quan trọng là có đóng-có hưởng, chia sẻ, bền vững ổn định quỹ.
“Quán triệt các nguyên tắc đó, chúng ta giải quyết được khúc mắc trong quá trình vận hành hệ thống,” Phó Thủ tướng nêu.
Từ cách đặt vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW, tổ chức thực hiện và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động; tập trung phát triển đối tượng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; quan tâm đến việc quản lý đầu tư tăng trưởng quỹ.
Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ an sinh xã hội, mục tiêu an toàn phải được đặt lên hàng đầu, đầu tư phải có hợp đồng chặt chẽ, đảm bảo an toàn quỹ dài hạn.
Nhân viên đại lý bưu điện tuyên truyền cho các hộ gia đình làm nông lâm nghiệp tại huyện Đăk Đoa tham gia mua thẻ BHYT. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với các ngành, công khai các đơn vị sai phạm, có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành tăng cường công tác giám định điện tử, năm 2018 phải xác định mục tiêu hạn chế căn bản, tiến tới ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế; thông qua công tác giám định, thanh tra, kiểm tra, một mặt tạo sự hài lòng cho người dân nhưng mặt khác không thể nương tay với vi phạm, trục lợi.
Phó Thủ tướng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý điều hành trong nội bộ; tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công hoàn thiện đề án cải cách chính sách tiền lương.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tốt với Bộ Y tế thực hiện đấu thầu thuốc tập trung; nghiên cứu mở thêm kênh đấu thầu tập trung đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để minh bạch; tổ chức đấu thầu tập trung một số vật tư y tế có tỷ trọng chi lớn, tần suất sử dụng nhiều, giá trị khác nhau.
Đối với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế theo hướng phù hợp giữa mức đóng và mức hưởng, đảm bảo ổn định, cân đối quỹ bảo hiểm y tế trong ngắn hạn và dài hạn.
“Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân, thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường. Cần hướng tới hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đa tầng phủ tới toàn dân, hướng tới hệ thống quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, tin cậy và hiệu quả,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo TTXVN